Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín Bùi Văn Phấn với sự phát triển ở bản Son

Quỳnh Trâm - 15:34, 03/11/2021

Vượt lên từ gian khó, bằng những nỗ lực bền bỉ, những con người ở Son, Bá, Mười, trong đó có ông Bùi Văn Phấn, Người có uy tín kiêm Bí thư Chi bộ ở bản Son, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã thoát nghèo, góp sức mình xây dựng bản làng giàu đẹp hơn.

Ngoài làm kinh tế gia đình ông Phấn đã hỗ trợ, giúp đỡ gần 40 hộ dân ở bản Son phát triển kinh tế, nâng cao đời sống
Ngoài làm kinh tế gia đình ông Phấn đã hỗ trợ, giúp đỡ gần 40 hộ dân ở bản Son phát triển kinh tế, nâng cao đời sống

Vượt lên từ gian khó

Từ trung tâm xã Lũng Cao, chạy xe chừng 10km, chúng tôi vượt qua triền dốc khúc khuỷu và hiểm trở để đặt chân đến Son, Bá, Mười, tên ba bản nằm chót vót trên đỉnh núi Cao Sơn.

Lúc này, trời đã về chiều, những đám mây đen kéo theo cơn mưa bất ngờ ào đến. Cao Sơn mở ra trước mắt với mưa và sương mù giăng khắp lối, những nếp nhà sàn, những vườn rau xanh mướt hiện lên mờ ảo, tất cả càng tô đậm thêm vẻ đẹp thanh bình và hoang sơ của bản làng vùng cao này.

Được hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn núi đồi, vườn tược xanh ngút ngàn trong màn mưa, nhâm nhi chén trà trong ngôi nhà sàn của ông Bùi Văn Phấn, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín ở bản Son. Ông Phấn hồ hởi nói: “Để có được ngày hôm nay, người Cao Sơn chúng tôi đã trải qua nhiều năm tháng gian khó, từ ngày lập làng dựng bản, những khó khăn đã dần lùi xa, nhiều điều đã đổi thay, chỉ có vẻ đẹp của thiên nhiên và sự mến khách của con người là vẫn trường tồn”.

Ông Phấn luôn nhận được sự yêu quý của bà con trong bản và sự khen thưởng kịp thời của chính quyền địa phương
Ông Phấn luôn nhận được sự yêu quý của bà con trong bản và sự khen thưởng kịp thời của chính quyền địa phương

Đôi mắt nhìn xa xăm, ngược dòng hồi tưởng, ông Phấn kể lại với giọng trầm buồn. Năm 1988, ông rời quân ngũ trở về quê xây dựng bản làng. Những năm tháng ấy ở Cao Sơn, dân bản còn đang đói mòn đói mỏi, thiếu thốn đủ bề.

Ba bản Son, Bá, Mười sống tách biệt với thế giới bên ngoài vì không đường, không điện lưới. Sau quãng thời gian mòn mỏi đợi chờ, cuối năm 2014, dự án đường giao thông Ban Công - Lũng Cao nối Cao Sơn với xã Nam Sơn (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) được hoàn thành. Kể từ đây, đồng bào có động lực để vươn lên thoát nghèo.

Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về việc chuyển đổi cây trồng. Đặc biệt là  sau khi địa phương triển khai đề án “Chương trình phát triển nông nghiệp cộng đồng”, là người trực tiếp tham gia dự án, ông Phấn đã bắt tay vào cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng và thu hoạch hạt giống mướp đắng, bầu, bí, cà chua. Sản phẩm được liên kết với doanh nghiệp để mang đi tiêu thụ, cùng với việc chăn nuôi thêm các con giống như gà, lợn, bò… đã mang lại thu nhập cho gia đình ông bình quân khoảng khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.

Đồng thời, ông Phấn đã vận động bà con trong bản, mạnh dạn trồng thử nghiệm những khu vực vườn mướp đắng lấy hạt giống. Lúc đầu người dân còn e ngại, nghi ngờ tính khả thi của dự án. Ông Phấn là người đi đầu bắt tay thực hiện, đồng thời nhiệt tình hướng dẫn bà con.

Khi thấy hiệu quả mang lại năng suất cao gấp 3 lần làm lúa, làm ngô, sắn, càng nhiều bà con trong thôn bản làm theo lời ông Phấn, từ đó đến nay, đã có khoảng 40 hộ tham gia trồng thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bản Son thay da đổi thịt, cái đói, cái nghèo không còn đeo bám, nhờ vào chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông giúp dân đi lại thuận lợi hơn
Đường vào bản Son

Trong số những hộ được ông Phấn vận động, hướng dẫn kinh nghiệm, có các hộ anh Vi Văn Tiết, Hà Văn Trung, hiện là những hộ trồng mướp đắng hiệu quả cao, mỗi vụ cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Cộng thêm chăn nuôi khác, trung bình mỗi năm các hộ thu nhập 60-70 triệu đồng, giúp họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 

"Trồng mướp đắng lấy hạt khô cho giá cao với 500.000 đồng/kg. Mướp đắng trồng 2 vụ/năm, mỗi sào thu hoạch được 20 kg hạt. Vì liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp hạt giống, đến hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và bao tiêu đầu ra nên bà con trong bản yên tâm sản xuất", ông Phấn cho biết.

Người uy tín trong cộng đồng

Ông Bùi Văn Phấn năm nay 61 tuổi, đến nay ông đã có  33 năm tuổi Đảng, trong đó nhiều năm làm Bí thư Chi bộ thôn và 3 năm được bầu là Người có uy tín. Xác định, chi bộ là cầu nối chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân. Vì vậy, khi được Chi bộ, đảng viên, bà con tin tưởng trao trọng trách, ông Phấn luôn gần gũi để hiểu được tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán và tâm lý của bà con. 

Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ông Phấn luôn cần mẫn, xông xáo trong các công việc được giao và gương mẫu đi đầu trong các hoạt động ở địa phương như: tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thường xuyên tham gia công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự...

 “Trước kia trong bản cũng có một vài gia đình có đàn ông uống rượu say rồi gây gổ, đánh nhau, vợ chồng bất hòa, nhưng từ khi chúng tôi đến nhà để hòa giải, vận động, tình trạng này đã giảm hẳn...”, ông Phấn cho biết,

Những vườn mướp đắng mơn mởn là thành quả lao động sản xuất của bà con bản Son
Những vườn mướp đắng mơn mởn là thành quả lao động sản xuất của bà con bản Son

Rời Cao Sơn khi trời nhá nhem tối, cơn mưa ngày càng nặng hạt, nhưng ngắm nhìn những vườn mướp đắng mơn mởn, nghĩ về lời của Chủ tịch xã Lũng Cao Trịnh Văn Dũng rằng, ở nơi nào địa phương có được những đảng viên như ông Phấn, thì cuộc sống của bà con sẽ bớt khổ, chính quyền địa phương rất an tâm khi phát động triển khai các phong trào, hoạt động ở cơ sở...

Tin cùng chuyên mục
Đà Bắc (Hòa Bình): Phát huy vai trò đảng viên, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động

Đà Bắc (Hòa Bình): Phát huy vai trò đảng viên, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào các DTTS thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, nhiều cán bộ đảng viên, Người có uy tín trong vùng đồng bào các DTTS huyện vùng cao Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) đã có những cách “dân vận” sáng tạo, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, giữ gìn an ninh trật tự cho bản làng.