Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người có uy tín: “Cầu nối” vững chắc giữa ý đảng, lòng dân

Minh Thu - 10:26, 28/08/2020

Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 2.485 Người có uy tín đã và đang có nhiều đóng góp vào các phong trào của địa phương, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Họ được ví như “cây đại thụ” trên rẻo cao, tỏa bóng mát bình yên cho bà con các DTTS.

Ông Chi Viết Hải, Người có uy tín xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trên địa bàn
Ông Chi Viết Hải, Người có uy tín xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trên địa bàn

Những ngày cuối tháng 8/2020, có dịp đi trên những con đường rợp bóng cờ hoa ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng), không khó để nhận thấy đời sống KT-XH của đồng bào các DTTS nơi đây đã có nhiều đổi thay. Đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Hai bên đường vào xã là những cánh đồng lúa vụ Hè - Thu, những vườn ngô xanh non mơn mởn. Đây là những hình ảnh sinh động trong phát triển KT-XH của người dân Hoàng Tung chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện Hòa An lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa An, ông Hoàng Đức Hạnh đưa chúng tôi đến thăm nhà bà Hoàng Thị Lập, Người có uy tín xóm Na Lữ. Ngôi nhà nhỏ lợp ngói âm dương của bà Lập trông rất gọn gàng, sạch sẽ. Vừa đi xuống xóm về, bà Lập nói: Tôi vừa cùng Trưởng xóm xuống kiểm tra công trình đường giao thông trong xóm. Mấy trận mưa vừa qua làm sạt lở một số chỗ. Chắc phải huy động bà con sửa sang sớm, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

7 năm làm Người có uy tín xóm Na Lữ, bà Lập đã thể hiện rõ vai trò gương mẫu, đi đầu của mình trong các phong trào địa phương. Năm 2018, gia đình bà đã hiến 350m2 đất để làm đường liên thôn. Bà Lập còn vận động người dân trong xóm Na Lữ hiến 8.565m2 đất, ủng hộ trên 128 triệu đồng với gần 1.000 ngày công lao động để làm tuyến đường nội thôn dài trên 1.080m. Trong 2 năm 2018 - 2019, bà Lập đã giúp vốn và con giống cho 2 hộ dân phát triển kinh tế, từ đó vươn lên thoát nghèo.

“Đời sống người dân trong xóm đã có những bước chuyển mới, tích cực. Xóm có 56 hộ dân, hiện chỉ còn 2 hộ nghèo. Tôi sẽ cố gắng vận động và giúp đỡ để 2 hộ thoát nghèo trong năm 2020 - 2021”, bà Lập chia sẻ.

Cùng ở huyện Hòa An, xóm Phjắc Cát, xã Dân Chủ có 32 hộ đều là dân tộc Mông. Với cương vị là Người có uy tín, ông Vương Văn Mù đã phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể vận động bà con trong xóm đi học chữ, từ đó tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phổ biến các kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để người dân hiểu và làm theo.

Trong 3 năm (2017 - 2019), ông Mù đã vận động được hơn 20 người đi học chữ. Ông còn có sáng kiến xây dựng quy ước, hương ước của đồng bào Mông, trong đó quy định: Không được thách cưới, chỉ được kết hôn đúng độ tuổi; đám tang chỉ tổ chức tối đa 2 ngày. Ông chia sẻ với bà con những gì mình biết, mình hiểu thông qua sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng để bà con có ý thức vươn lên, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự; không nghe và không tin lời kẻ xấu xúi giục. Nhờ đó, liên tục 3 năm (2017 - 2019), xóm Phjắc Cát đạt danh hiệu Xóm Văn hóa.

Ở xóm Rằng Khoen, xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng, đồng bào trìu mến gọi ông Đào Xuân Thính, dân tộc Mông là “ông Thính uy tín”. Bởi ông đã và đang là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ những hủ tục, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Tận dụng mỏm đất nơi khe đá, ông Thính trồng 1.000m2 cỏ voi nuôi 7 con bò, mỗi năm bán 2 - 3 con, thu nhập gần 90 triệu đồng. Để tạo nguồn vốn cho bà con trong xóm phát triển đàn bò, ông gửi cho bà con nuôi 6 - 7 con bò, khi bò đẻ, ông chia cho gia đình đó con bê để họ nuôi. Đến nay, 100% hộ trong xóm đều nuôi bò, bình quân mỗi hộ có 4 con bò, trồng hơn 500m2 cỏ voi. Hộ nhiều nhất nuôi hơn 10 con bò. “Từ 100% hộ nghèo trước đây, đến nay cả xóm chỉ còn 22 hộ”, ông Thính tự hào.

Những năm qua, đời sống KT-XH ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có sự phát triển đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm bình quân 4 - 5%/năm. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của những Người có uy tín trên mọi lĩnh vực.

Nói về vai trò của Người có uy tín trên địa bàn, bà Đặng Thị Duyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Bằng sự gương mẫu, đi đầu, 2.482 Người có uy tín trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động người thân, dòng họ, đồng bào các DTTS thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu KT-XH xã hội của địa phương. Họ đã và đang là những chiếc “cầu nối” vững chắc giữa ý Đảng, lòng dân; xứng đáng là những “cây đại thụ” tỏa bóng mát bình yên cho đồng bào các DTTS, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh địa phương.