Giọng ca vàng của núi rừng
NSND Xuân Ái sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Tày ở xã Lương Can, huyện Thông Nông (Cao Bằng). Từ nhỏ, ông đã được sống trong những lời hát Then, tiếng đàn Tính ngọt ngào của mẹ. Tiếng đàn, giọng hát cứ thế thấm vào tâm trí và đưa ông vào thế giới nghệ thuật với niềm đam mê.
Ông kể, ngày còn bé ông thường lấy trộm cây tính tẩu của mẹ để tập đánh đàn. Sợ mẹ phát hiện, ông còn trốn vào trong màn để đánh. Một lần, mẹ ông đi làm về và bắt gặp cậu con trai ngồi trong màn để học chơi đàn. Từ đó, ông chính thức được mẹ dạy chơi đàn và hát điệu hát của dân tộc mình. Hằng ngày, ông được mẹ đưa đi làm cùng, cho chơi đàn và hát cho người thân quen nghe...
Năm 1977, ông nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng. Trong chiến tranh biên giới năm 1979, ông bị thương nên giải ngũ, chuyển sang làm diễn viên của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Năm 1993, ông chuyển công tác về Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca, múa, nhạc dân gian Việt Bắc).
Với chất giọng trữ tình, truyền cảm, từng làn điệu Then được NSND Nông Xuân Ái cất lên cùng tiếng đàn Tính thiết tha, ngọt ngào đã trở thành người bạn tâm giao chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống với những người dân ở núi rừng Việt Bắc.
Bồi đắp cho nghệ thuật dân tộc
NSND Nông Xuân Ái chia sẻ: Các chương trình nghệ thuật phải thực sự đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng phải chắt lọc, nâng cao và phát triển bồi đắp cho nghệ thuật mang hơi thở hiện đại, phù hợp với nhịp sống hôm nay. Mỗi một tác phẩm phải đi vào chuỗi nghệ thuật, xuyên suốt bằng câu chuyện âm nhạc, hình ảnh, ngôn ngữ múa, lời hát, lời thoại… để đưa khán giả hiểu biết về các vùng văn hóa khác nhau, tạo nên cảm giác mới lạ mới cuốn hút được khán giả.
Trong cuộc đời gắn bó với sự nghiệp âm nhạc dân tộc, tên tuổi của ông đã gắn liền với những ca khúc như: Mời anh lên Cao Bằng, Gặp nhau trong rừng mơ, Tình đất, Ba Bể Pế tiên; Đợi nàng (đạt Huy chương Vàng Liên hoan ca múa nhạc dân tộc năm 1994, được tổ chức tại Lai Châu); Tiếng gọi của rừng (Giải Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp khu vực phía Bắc, năm 2004); Huy chương Bạc tiết mục Nơi ngọn nguồn núi Đợi; Huy chương Vàng tiết mục Tiếng vọng, Huy chương Bạc về sáng tác ca khúc Tiếng gọi Lủng Pảng…
Năm 2018, ông cùng Ban lãnh đạo Nhà hát đã dàn dựng thành công vở diễn “Mỵ”, được công diễn tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc lần I tại Cao Bằng và thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Sau đó, vở diễn được một đơn vị tài trợ đưa vào biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước và diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, gây được tiếng vang lớn đối với truyền thông và công chúng.
Không chỉ tạo tiếng vang đối với công chúng trong nước, Nghệ sĩ Xuân Ái còn đưa nghệ thuật dân tộc đến với công chúng thế giới thông qua các chuyến dẫn đoàn các nghệ sĩ của Nhà hát đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Pháp...
Đau đáu với nghệ thuật dân tộc, trong suốt 28 năm giữ vai trò lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, ông đã cùng với Ban lãnh đạo nhà hát dẫn dắt đoàn; khuyến khích và tạo mọi điều kiện để giữ chân những tài năng ở lại nhà hát, bảo đảm đời sống nghệ sĩ có thể bám trụ với nghề.
Với những cống hiến hết mình cho nghệ thuật dân tộc, năm 2003, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2016, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân. Ông là một trong những đại biểu tiêu biểu của Thái Nguyên sẽ tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 sắp tới.
Sau những năm tháng gắn bó với nghệ thuật dân tộc, từ 1/7/2020 Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Ái đã được nghỉ theo chế độ. Nhưng với nhiệt huyết luôn cháy bỏng cùng âm nhạc dân tộc, ông vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Nghệ sĩ Xuân Ái vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc để tiếp tục bồi đắp tình yêu âm nhạc cho các thế hệ con em dân tộc.