Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín với cộng đồng

Người có uy tín Cư Seo Mười góp sức đổi mới cho Ải Nam

Trọng Bảo - 18:23, 03/11/2023

Ải Nam là thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Thời gian gần đây, Ải Nam đã có những thay đổi tích cực về mọi mặt, trong đó kết quả nổi bật nhất là thôn đầu tiên của thị trấn hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát…Kết quả này có sự đóng góp tích cực của Trưởng thôn, Người có uy tín Cư Seo Mười.

Mỗi năm anh Mười có thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ cây chè Bát tiên
Mỗi năm anh Mười có thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ cây chè Bát tiên

Cách đây vài năm, hai vợ chồng anh Cư Seo Mười, dân tộc Mông ở thôn Ải Nam, thị trấn Phòng Hải, huyện Bảo Thắng vẫn còn phải đi làm thuê. Diện tích đất canh tác thì tranh thủ thời gian không có việc, để trồng cây ngô, cây lúa. Công việc vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, chắt chiu lắm cũng chỉ đủ ăn trong năm. 

Từ kinh nghiệm học hỏi được trong những ngày đi làm thuê ở các trang trại chuối bên, cùng với số tiền họ hàng giúp đỡ, anh Mười mạnh dạn vay trên 200 triệu đồng ngân hàng để mua giống, phân bón trồng 3 vạn gốc chuối. Ngay vụ đầu tiên anh đã thu 120 tấn chuối quả xuất bán sang Trung Quốc, thu về trên 600 triệu đồng, trừ chi phí anh cũng còn lãi gần 400 triệu đồng.

 Thắng lợi vụ chuối đầu tiên đã giúp anh Mười tự tin thuê thêm đất mở rộng diện tích lên gần 10 ha chuối, mỗi năm thu 180 đến 200 tấn quả/vụ. Học gương Trưởng thôn Mười, thôn Ải Nam có thêm nhiều hộ trồng chuối, nâng diện tích chuối hàng hóa của thôn lên 25 ha, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động trong thôn.

“Hiện nay, diện tích chuối của gia đình bắt đầu thoái hóa, sâu bệnh nên mình tập trung chăm sóc 1,3 ha chè đặc sản Bát Tiên. Diện tích chè này gia đình trồng từ năm 2005, hiện rất có giá. Riêng năm 2022, trừ chi phí gia đình cũng còn thu về được trên 100 triệu đồng”, anh Mười cho biết.

Học tập anh Mười, nhiều hộ dân Ải Nam đã chuyển sang trồng chè Bát tiên nâng diện tích cây trồng đặc sản này lên hơn 10ha
Học tập anh Mười, nhiều hộ dân ở Ải Nam đã chuyển sang trồng chè Bát tiên nâng diện tích cây trồng đặc sản này lên hơn 10ha

Không chỉ tiên phong đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập cho gia đình. Với vai trò là Trưởng thôn, Người có uy tín, anh Mười luôn gương mẫu, tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Ải Nam trở thành điếm sáng trong nhiều phong trào thi đua của thị trấn, của huyện. Đơn cử như việc xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. 

Trước đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) ở Ải Nam khá phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do tập tục lạc hậu của một bộ phận đồng bào DTTS nơi đây, muốn có người về để làm việc nhà nên cho phép con, cháu kết hôn sớm…

Nắm bắt được thực tế này, anh Mười cùng với các đoàn thể đến từng gia đình tuyên truyền, vận động về tác hại của TH&HNCHT. Đồng thời, vận động các hộ ký cam kết không để xảy ra tình trạng TH&HNCHT; kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ tảo hôn hoặc HNCHT để từ đó có biện pháp tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể, phối hợp cùng các lực lượng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn. Trước đây, mỗi năm trong thôn có tới vài cặp vợ chồng tảo hôn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hai năm trở lại đây tình trạng này đã không còn xảy ra.

Anh Mười cùng bà con Nhân dân trong thôn tham gia làm đường giao thông nông thôn
Anh Mười cùng bà con Nhân dân trong thôn tham gia làm đường giao thông nông thôn

Đặc biệt, Ải Nam là thôn đầu tiên của thị trấn Phong Hải, hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát. Với đặc thù là thôn ĐBKK nên số nhà tạm, nhà ở dột nát ở Ải Nam còn khá cao. Để triển khai Chương trình xóa nhà tạm đạt hiệu quả, anh Mười cùng với Chi bộ, các đoàn thể của thôn tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể từng hộ đưa vào danh sách, kế hoạch thực hiện từng năm. Quan trọng nhất là tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và tham gia.

“Thực tế lúc đầu cũng gặp khó khăn, nhiều gia đình thấy bảo phải bỏ tiền đối ứng để cùng với tiền hỗ trợ của Nhà nước để làm nhà thì không nghe. Chúng tôi kiên trì thuyết phục, phân tích để bà con hiểu chính sách nhân văn của Chương trình này. Trong quá trình triển khai, tôi đứng ra cam kết với các cửa hàng để bà con mua nguyên vật liệu rồi trả tiền sau. Hộ nào khó khăn quá thì cho vay tiền, như hộ bà Hoàng Thị Máy, tôi cho vay 20 triệu đồng để bà làm nhà mới. Hết năm 2022, toàn bộ 25 nhà tạm, nhà dột nát trong thôn đã được xóa”, anh Mười chia sẻ.

Thôn Ải Nam có 164 hộ, trong đó đồng bào Mông chiếm 99%, toàn thôn hiện còn 47 hộ nghèo theo tiêu chí mới; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm. Đời sống người dân từng bước được nâng lên, bản sắc văn hóa của đồng bào được bảo tồn, gìn giữ… Từ một thôn ĐBKK của thị trấn Phong Hải, thì nay Ải Nam trở thành điểm sáng của huyện Bảo Thắng. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Trưởng thôn, Người có uy tín Cư Seo Mười.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.