Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín ở Kon Tum: Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin

Ngọc Thu - 20:39, 22/08/2023

Với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Người có uy tín ở các huyện biên giới tỉnh Kon Tum không chỉ gương mẫu trong các phong trào thi đua, mà còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động bà con tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Già làng, Người có uy tín A Lào cùng Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương vận động dân làng chung tay giữ vững an ninh trật tự và chủ quyền vùng biên giới quốc gia
Già làng, Người có uy tín A Lào cùng Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương vận động dân làng chung tay giữ vững an ninh trật tự và chủ quyền vùng biên giới quốc gia

Sinh ra và lớn lên ở thôn Đăk Răng, xã biên giới Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, già làng, Người có uy tín A Lào (dân tộc Xơ Đăng, 76 tuổi) từng là người lính Bộ đội cụ Hồ tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; khi trở về địa phương ông đã phát huy phẩm chất người lính Bộ đội cụ Hồ luôn nỗ lực trong cuộc sống, tích cực học hỏi từ những lớp tập huấn do địa phương tổ chức; tìm hiểu kinh nghiệm từ những mô hình kinh tế hiệu quả trong xã, trong thôn để áp dụng vào sản xuất làm gương để người dân noi theo.

Già đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1 hecta đất trồng mì sang trồng cà phê và đào ao nuôi cá với diện tích hơn 1.000 mết vuông. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cà phê và ao cá mang lại nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm cho gia đình. Già làng A Lào cho biết, thôn Đăk Răng bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với bản tính ngại thay đổi về phương thức sản xuất truyền thống, nếu mình không làm gương, bà con không thấy được hiệu quả cụ thể thì có tuyên tuyên truyền, vận động mấy bà con cũng không tin và nghe theo. 

Cùng với việc đi đầu trong phát triển kinh tế, Già làng A Lào còn tham gia tích cực các hoạt động ở khu dân cư, đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương. Đặc biệt, năm 2020, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, Già làng  A Lào đã đi đầu việc tình nguyện hiến 300 mét vuông đất, trên đó có khoảng 40 cây cà phê đã cho thu hoạch, để làm đường ra khu sản xuất; góp công sức và tiền để làm đường ống đưa nước về cho dân làng sử dụng.

Thôn Đăk Răng có 176 hộ, với 575 khẩu, trong đó dân tộc Xơ Đăng chiếm gần 70%. Để giúp người dân phát triển kinh tế, Già làng A Lào đã cùng với Chi bộ và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS”. Nhờ đó, người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, Nhân dân trong thôn đã trồng được hơn 100 ha cà phê, 04 ha cao su, hơn 1 ha cây ăn trái, hơn 6 ha lúa nước, hơn 60 ha mì… nâng mức thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt 33 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, Già  làng A Lào luôn tích cực góp sức cùng với các cấp chính quyền, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, nhất là các văn bản pháp luật lên quan đến an ninh biên giới.… giúp người dân nâng cao nhận thức, chung tay cùng chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn.

Già A Lào là tấm gương sáng trong thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Già làng, Người có uy tín A Lào là tấm gương sáng trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trung tá Đặng Nguyên Hương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y khẳng định: “Già A Lào là tấm gương sáng trong thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Già luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, trong đó có phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia" do Bộ đội Biên phòng phát động. Từ phong trào này, già A Lào đã nhiệt tình hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện, góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới”.

Cũng giống như Già làng, Người có uy tín A Lào, mặc dù tuổi đã cao nhưng Già làng, Người có uy tín A Blăng (dân tộc Gié Triêng, 72 tuổi) ở thôn Dục Lang, xã Đăk Long, không chỉ đi đầu trong làm kinh tế, mà già còn góp sức tuyên truyền, vận động dân làng xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh trật tự và chủ quyền vùng biên giới quốc gia.

Thôn Dục Lang xã Đăk Long, huyện Đăk Glei giáp với nước bạn Lào, thôn có hơn 200 hộ, với gần 700 nhân khẩu. Với 5 năm đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã, gần 11 năm làm Già làng, Người có uy tín, ông A Blăng rất hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của bà con và có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào. Đặc biệt, là địa bàn biên giới nên ông rất quan tâm tuyên truyền, vận động người dân trong thôn thực hiện tốt phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh trật tự trên tuyến biên giới.

Nhờ đó, trong những năm qua trên địa bàn xã Đăk Long không có người vượt biên trái phép, không xâm canh, xâm cư sang đất của nước bạn Lào. Đồng thời, luôn đoàn kết giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ngoài thực hiện tốt công tác tuyền truyền, ông còn vận động bà con trong thôn phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

Già A Blăng tâm sự: “Với trách nhiệm của mình, hằng  tháng tôi phối hợp với Đồn Biên phòng đi kiểm tra cột mốc. Đồng thời, tuyên truyền các hộ gia đình không vượt biên giới trái phép; hướng dẫn bà con cách làm ăn để thoát nghèo, đặc biệt tuyên truyền để Nhân dân biết các thủ đoạn để không nghe, không tin lời lừa phỉnh của các đối tượng xấu”.

Ông A Mão, một người dân ở thôn Dục Lang, huyện Đăk Glei cho biết: “Già A Blăng rất gương mẫu trong mọi công việc của thôn, của xã nên mọi người đều tin và làm theo, từ phát triển kinh tế, tham gia các phong trào thi đua, vận động viên trẻ đi học đầy đủ, vận động Nhân dân bảo vệ đường biên cột mốc... ”.

Già A Blăng hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cà phê để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững
Già A Blăng hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cà phê để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng

Tỉnh Kon Tum có 13 xã biên giới thuộc 4 huyện gồm Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai. Trên địa bàn khu vực có 25 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 77%. Tổng số Người uy tín ở 4 huyện là 200 người. 

Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đánh giá, những năm qua, Người có uy tín tại các huyện biên giới tỉnh Kon Tum luôn khẳng định vai trò trách nhiệm với cộng đồng. Họ là những tấm gương điển hình trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Theo ông Đinh Quốc Tuấn, để động viên và phát huy vai trò Người uy tín, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đối với Người có uy tín; thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện cho Người có uy tín tham gia học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu, giao lưu nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng. Qua đó, Người uy tín có thêm kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục phát huy tốt hơn  vai trò "cầu nối" của các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước các phong trào của địa phương; là “điểm tựa” tin cậy, vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới.

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín với chuyển đổi số

Người có uy tín với chuyển đổi số

Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, hỗ trợ để Người có uy tín tiếp cận công nghệ và chuyển đổi số. Từ đó, nâng cao khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.