Thôn 1, xã Đường Hoa có 176 hộ dân với 725 nhân khẩu, với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Đây vốn là thôn đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Nhưng đến nay, cả thôn không còn hộ nghèo, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2019, thôn đã thoát ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hiện đang tập trung xây dựng nông thôn mới. Để có được kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của anh Tằng Dảu Quay.
Với vai trò là Người có uy tín, anh Quay luôn trăn trở phải làm sao để người dân trong thôn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Muốn người dân trong thôn làm theo thì trước tiên bản thân phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, anh Tằng Dảu Quay đã bắt tay vào phát triển kinh tế từ chính mô hình vườn đồi của gia đình.
Anh Quay cùng với vợ, đăng ký trồng cỏ VA06 theo chương trình trồng cỏ nguyên liệu cung cấp cho Công ty Phú Lâm để phát triển đàn bò, kết hợp với chăn nuôi bò sinh sản, trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm…Anh Quay vui vẻ kể lại: Bước đầu triển khai mô hình, gia đình gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến vốn, kỹ thuật. Nhưng tôi không vì thế mà nản chí. Tôi đã học hỏi những người có kinh nghiệm đi trước và vay mượn vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Là người đi nhiều, ham học hỏi, anh Quay nhận ra đất đồi ở thôn rất phù hợp với cây keo. Anh chính là người tiên phong phủ sắc xanh ở Đường Hoa, với mỗi ha trồng keo cho thu khoảng 70 triệu đồng mỗi năm .
“Được bà con trong bản bầu làm Người có uy tín, tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cũng như làm kinh tế để cho bà con noi gương theo. Bởi vì đồng bào nhiều người chưa dám làm, phải nhìn thấy mình làm họ mới tự tin bắt đầu được. Vì vậy tôi quyết định mình phải trở thành tấm gương nói được, làm được”, anh Quay chia sẻ.
Từ kinh nghiệm trồng rừng của gia đình, anh đã chia sẻ với bà con trong thôn, để mọi người cùng nhau phát triển kinh tế. Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình ở thôn 1 đều trồng keo. Hộ ít cũng trồng 1-2ha, hộ nhiều 5-6ha. Trên thực tế, nhiều hộ đã thoát nghèo bằng mô hình trồng keo, không trông chờ hoặc ỷ lại sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Gia đình bà Dường Thị Thúy, thôn 1, xã Đường Hoa là một hộ tiêu biểu. Trước đây, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được anh Quay tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư trồng 6ha keo. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, rừng keo không phụ công người, đã cho gia đình bà thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ một hộ nghèo, gia đình bà đã trở thành hộ có cuộc sống khấm khá ở trong thôn.
Ông Dường Chố, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1, xã Đường Hoa, Hải Hà, Quảng Ninh cho biết, Tằng Dảu Quay là tấm gương sáng, luôn đồng hành, tích cực giúp đỡ bà con trong thôn bản về phát triển kinh tế rất tốt. Ngoài ra anh còn tuyên truyền cho bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng những thói quen mới văn minh, tiến bộ hơn.
So với những Người có uy tín cao tuổi có kinh nghiệm, sự từng trải, thì những Người có uy tín trẻ tuổi có thế mạnh về sự năng nổ, nhiệt tình cũng như tri thức, kiến thức được cập nhật, học hỏi, nhất là trong phát triển kinh tế. Nhiều Người có uy tín trẻ tuổi như anh Quay đã tiên phong xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, từ đó lan tỏa, giúp đỡ cộng đồng cùng phát triển.