Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người cựu chiến binh hơn 20 năm "vác tù và hàng tổng"

Quỳnh Trâm - 07:55, 27/05/2021

Hơn 20 năm qua, người dân ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), đã quen thuộc với một người đàn ông cần mẫn trên chiếc xe máy cũ, với bộ loa, máy phát rong ruổi khắp các nẻo đường để thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động. Đặc biệt, những ngày tháng qua, trên chiếc xe của ông còn được trang hoàng cờ và băng rôn với các khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19, về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp...; Đó là người cựu chiến binh Phạm Ngọc Chiêng (sinh năm 1948), ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn.

Ông Phạm Ngọc Chiêng - người cựu chiến binh 20 năm "vác tù và hàng tổng"
Ông Phạm Ngọc Chiêng - người cựu chiến binh 20 năm "vác tù và hàng tổng"

Tự chế tác mô hình tuyên truyền lưu động

Không được trả lương, hoàn toàn tình nguyện bỏ công sức và chi phí để làm việc, nhưng ông Chiêng đã làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao. Không kể mùa đông hay mùa hè, nắng hay mưa, mỗi buổi sáng, ông dậy từ 4h30 để tập thể dục, ăn sáng. sau đó, trên chiếc xe máy cũ, trung bình mỗi ngày ông đi khoảng 50km để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi nơi.

Từ khi đợt dịch Covid-19 mới bùng phát, ông Chiêng tập trung tuyên truyền sâu về các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế. Nhờ tiếng loa tuyên truyền hàng ngày của ông, người dân trên địa bàn huyện nâng cao ý thức phòng dịch, người đi xa về cũng tự giác khai báo y tế với chính quyền địa phương.

Kể về cơ duyên và động lực để ông tình nguyện làm “tuyên truyền viên”, ông Chiêng cho biết: Thuở là một thanh niên tuổi 18 , khi ấy đất nước đang trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông tham gia Tổ Văn hóa Thông tin huyện Triệu Sơn, làm công tác thông tin trực chiến bảo vệ sân bay Sao Vàng. Có lẽ, đó là cơ duyên ban đầu để ông biết đến công việc truyền tải thông tin.

Tình nguyện nhập ngũ năm 1971, trải qua nhiều năm chiến đấu, sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, ông bị thương nặng vì trúng đạn, ông giải ngũ về quê với chế độ thương binh 1/4.

Trở về từ chiến tranh, không tham gia hoạt động nào ở địa phương dù có lời mời gọi của chính quyền. Bởi lẽ gia đình lúc ấy rất khó khăn, ông chỉ muốn tập trung làm kinh tế.

Đến năm 2000, khi cảm thấy gia đình đã ổn định, con cái đều trưởng thành, ông nhận làm Trưởng đài phát thanh cho xã. Cũng trong thời gian này, ông tự phát minh ra mô hình tuyên truyền lưu động.

Ông tự bỏ vốn ra khoảng 22 triệu đồng để đầu tư loa đài, máy phát, dùng chiếc xe cà tàng làm phương tiện. Tùy vào từng thời điểm mà địa phương đang có sự kiện gì, ông nhận tài liệu từ chính quyền để soạn nội dung thật ngắn gọn, dễ hiểu. 

Tiếp đó, ông đọc, tự ghi âm vào máy để đi tuyên truyền. Giọng đọc mạnh mẽ và truyền cảm của ông đã trở nên quen thuộc với người dân nhiều năm qua.

Trong những dịp gần Tết Nguyên đán, ông tuyên truyền về việc phòng chống pháo nổ, tai nạn giao thông. Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ông tiếp tục tích cực tuyên truyền về việc phòng dịch. Những ngày gần đây, ông chuyển nội dung tuyên truyền về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cổ động người dân đi bỏ phiếu.

Ông Phạm Ngọc Chiêng, cùng bộ loa, máy phát, cờ và băng rôn với các khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19, về cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp.
Ông Phạm Ngọc Chiêng, cùng bộ loa, máy phát, cờ và băng rôn với các khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19, về cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp.

20 năm "vác tù và hàng tổng"

Thời điểm đầu mới "vào nghề", vợ con lo lắng cho sức khỏe của ông nên can ngăn; còn dân làng thì nhiều người nói ông gàn dở vì "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Giờ đây, thấy việc làm ý nghĩa nên cợ con ông đều ủng hộ.

"Tôi chỉ mong sau mỗi thông điệp tuyên truyền, ý thức của người dân được nâng cao, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Và mong có sức khỏe tốt để tiếp tục công việc, khi nào không đi nổi nữa thì mới dừng lại".

Ông Phạm Ngọc Chiêng

Trong suốt gần 20 năm, lần duy nhất ông nghỉ việc là do phải nhập viện 3 tháng để mổ thận. Vậy nhưng, dù đang trên giường bệnh, ông cụ vẫn nhận thông tin, tự đọc nội dung để đưa cho con trai đi tuyên truyền thay mình.

Năm 2014, ông thôi làm Trưởng Đài phát thanh của xã, nhưng vẫn tình nguyện gắn bó với cỗ máy tuyên truyền di động. Người lính cụ Hồ năm nào vẫn giữ được sức khỏe dẻo dai và tấm lòng tận tụy, trách nhiệm với quê hương, với cuộc đời.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Dân Lực, cho biết, ông Chiêng làm công tác tuyên truyền hoàn toàn tự nguyện mà không đòi hỏi gì. Công việc của ông đã giúp cho hệ thống tuyên truyền của địa phương thêm phần phong phú và dày đặc, qua đó người dân nâng cao ý thức pháp luật, giảm thiểu các tệ nạn hay các vụ tai nạn giao thông.

Sự đóng góp miệt mài của cụ Chiêng được các cấp ngành ghi nhận. Ông từng nhận bằng khen của Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Thanh Hóa, Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam; giấy khen của huyện, của xã. Để hỗ trợ việc làm thiết thực trên, huyện Triệu Sơn đã tặng 24,5 triệu đồng để ông Chiêng sắm bộ loa đài mới; Công an tỉnh Thanh Hóa tặng 1 chiếc xe máy Dream.

Tin cùng chuyên mục