Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người đàn bà với sứ mệnh bảo tồn văn hoá người Ndebele (Nam Phi)

Duy Ly - 12:25, 01/10/2022

Nổi tiếng với những nét vẽ độc đáo trên các túp lều truyền thống và nhiều tòa nhà với thiết kế hình học sống động, bà Mahlangu (86 tuổi) sống tại Middelburg, Nam Phi đã đưa nghề thủ công truyền thống của cộng đồng người Ndebele nghìn đời lưu truyền qua nhiều thế hệ và giành được vị trí độc nhất trong thế giới nghệ thuật trừu tượng đương đại.

Chân dung bà Mahlangu
Chân dung bà Mahlangu

Bà Mahlangu sinh năm 1935 tại một vùng quê thuộc tỉnh Middelburg, Nam Phi. Bà bắt đầu học vẽ từ năm 10 tuổi và những kỹ năng vẽ ngoại thất “điêu luyện” hiện tại có được là do mẹ và bà ngoại của Mahlangu truyền dạy lại.

Ở Nam Phi, đặc biệt là khu vực miền nam, nơi có đông người Ndebele sinh sống, nghệ thuật “Ndebele house painting” (Nghệ thuật sơn vẽ nhà của người Ndebele) là một nét văn hoá đặc trưng mà người thực hiện chủ yếu là phụ nữ. Và đó cũng chính là nơi nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong con người của Mahlangu.

Tác phẩm của nghệ sĩ 86 tuổi này trở nên đặc biệt bởi các hình dạng hình học tươi sáng, chịu ảnh hưởng của dân tộc Ndebele bản địa. Các hoa văn thường được vẽ bằng lông gà, thể hiện sự tương phản nổi bật về màu sắc với những đường kẻ đen dày và đậm, cùng những chi tiết chủ yếu được tạo ra bởi các đường thẳng. Đây là một trong những loại hình nghệ thuật châu Phi tốn nhiều thời gian và khó tạo ra nhất.

Nghệ thuật sơn vẽ nhà của người Ndebele
Nghệ thuật sơn vẽ nhà của người Ndebele

Nghệ thuật của bà Mahlangu lần đầu tiên được cộng đồng quốc tế chú ý đến là qua buổi triển lãm nghệ thuật mang tên “Magiciens de la terre” (Những pháp sư của nhân loại) được tổ chức tại Pháp năm 1989. Sau đó, đến năm 1991, bà được hãng xe sang nổi tiếng của Đức là BMW mời hợp tác để sáng tạo độc quyền những hoạ tiết cho những chiếc xe của hãng này. Sau đó đến năm 1994, những chiếc xe này đã được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ nghệ thuật quốc gia tại thủ đô Washington, Mỹ. Đó là một trong những tác phẩm ghi đậm dấu ấn của bà nhằm lưu giữ và quảng bá nghệ thuật truyền thống của người Ndeble đang có nguy cơ mai một.

Chiếc sedan BMW 525i với phần thân xe được trang trí màu sắc và hoạ tiết độc đáo theo nghệ thuật Ndebele
Chiếc sedan BMW 525i với phần thân xe được trang trí màu sắc và hoạ tiết độc đáo theo nghệ thuật Ndebele

Nghệ thuật Ndebele được những người phụ nữ của bộ tộc Ndebele tạo ra từ thế kỷ 18 như một cách giao tiếp giữa người với người trong cộng đồng. Các hoa văn hình chữ nhật, hình tam giác và hình thoi được vẽ tỉ mỉ lên tường nhà, hàng rào là những câu chuyện kể về những sự kiện, những dấu mốc quan trọng trong đời người như sinh, tử, đám cưới hay ngày đầu tiên đến trường. Tuy nhiên những năm trở lại đây, nghệ thuật này đang dần mai một khi những họa sĩ gạo cội không còn nhiều, trong khi thế hệ trẻ không mấy mặn mà với loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Không cam tâm đứng nhìn di sản văn hóa của quê hương mình dần mất đi, Mahlangu đã quyết tâm quảng bá và ươm mầm nghệ thuật truyền thống. Bà dành hầu hết thời gian để thực hiện các dự án cộng đồng ở Mabhoko và xây dựng một ngôi trường nghệ thuật từ số tiền bán tranh của mình với mong muốn truyền dạy những kỹ năng vẽ và trang trí cho trẻ em. Ở đây, thay vì dùng cọ vẽ, những đứa trẻ dùng ngón tay khéo léo của mình và những chiếc lông gà mềm mại để tạo ra những tác phẩm của riêng mình trên nền tảng nghệ thuật Ndebele.

“Tác phẩm của tôi là sự tôn vinh nền văn hóa cộng đồng, nền văn hóa của người Ndebele, điều đó khiến tôi tự hào khi thấy nét văn hóa này được phổ biến khắp thế giới. Mọi người có thể nhìn thấy chúng ở Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ. Đó chính là Ndebele”, bà Mahlangu tự hào nói.

 Mahlangu bên tác phẩm của mình cộng tác cùng hãng xe hơi BMW nổi tiếng
Mahlangu bên tác phẩm của mình cộng tác cùng hãng xe hơi BMW nổi tiếng

“Chúng ta phải dạy cho những người trẻ biết về cội nguồn, rằng chúng đến từ đâu, đến từ nền văn hóa nào. Thế hệ trẻ phải tự hào về nền văn hóa của cộng đồng và truyền lại điều này cho con cháu đời sau. Đó là điều chúng tôi phải làm”, bà nói thêm.

Năm 2006, Chính phủ Nam Phi vinh danh nữ họa sĩ với Huân chương Ikhamanga và Bộ Văn hóa Pháp trao tặng bà Giải thưởng Văn hóa và Nghệ thuật Mpumalanga nhằm ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi của bà cho nghệ thuật truyền thống Ndebele.

Tin cùng chuyên mục
Thái Nguyên: Chú trọng công khai đảm bảo chất lượng con giống hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo

Thái Nguyên: Chú trọng công khai đảm bảo chất lượng con giống hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao thực hiện 2 dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện Phú Bình và Đại Từ. Để đảm bảo chất lượng, công khai nguồn cung cấp con giống hỗ trợ sinh kế cho các hộ, trước khi đưa bò giống đến tay bà con, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức cho tất cả đối tượng được hưởng lợi đến tham quan, chọn lựa tại các cơ sở giống có uy tín.