Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người Đan Lai trên hành trình hội nhập và phát triển

Thanh Hải - 15:44, 06/07/2023

Phó Bí thư Huyện ủy Con Cuông (Nghệ An) Lô Văn Thao khẳng định, các chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ dành cho người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát có ý nghĩa rất quan trọng. Cuộc sống, nhận thức người dân đang ngày một đổi thay nhờ sự đầu tư, hỗ trợ ấy.

Điện lưới đã phủ kín gần 2 bản người Đan Lai ở vùng lõi VQG nên rất thuận tiện để bà con sinh hoạt
Điện lưới đã phủ kín gần 2 bản người Đan Lai ở vùng lõi VQG nên rất thuận tiện để bà con sinh hoạt

Dấu mốc đáng nhớ

Năm 2001, đánh dấu một bước ngoặt khi UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương di dời 36 hộ dân ra khỏi rừng sâu, đến định cư tại 2 bản Tân Sơn và Cửa Rào, gần trung tâm xã Môn Sơn.

Tuy nhiên, phải đến năm 2006, khi Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ) tại vùng lõi VQG, thì đó mới là một cuộc “giải cứu” thực sự, khi đặt mục tiêu di dời 146 hộ gia đình người Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt ra khỏi rừng sâu. 30 hộ còn ở lại bản Cò Phạt sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái.

Ngay khi Đề án có hiệu lực, 42 hộ dân Đan Lai đầu tiên đã được đưa ra khỏi rừng, đến nơi ở mới tại bản tái định cư (TĐC) Thạch Sơn thuộc xã Thạch Ngàn (Con Cuông), cách chỗ ở cũ khoảng 60 km. Tại đây, người dân được xây nhà, cấp ruộng nước, đất rừng và được trợ cấp gạo ăn trong 1 năm. Còn tại bản Bá Hạ cũng thuộc xã Thạch Ngàn, mãi đến năm 2017, mới tổ chức di dân và đến nay đã có 35 hộ người Đan Lai ở thành cụm dân cư trong bản Bá Hạ.

Con trẻ của người Đan Lai được đi học đầy đủ
Con trẻ của người Đan Lai được đi học đầy đủ

Thực ra, năm 2012, những hộ dân chưa ra được khỏi rừng cũng được “giải cứu” khi có con đường chạy vắt vẻo qua các sườn núi được mở thông suốt, từ trung tâm xã Môn Sơn chạy qua Cò Phạt và vào tận bản Búng. Thêm vào đó, 4 cây cầu treo qua suối cũng được xây dựng xong, phá thế cô lập hàng trăm năm nay của họ với thế giới bên ngoài. Rồi năm 2018, người dân nơi đây bắt đầu có điện lưới, sóng điện thoại.

Điều đáng chú ý, hiện nay, Chương trình MTQG 1719 đã có những nội dung triển khai thực hiện tại hai bản Búng và Cò Phạt. Ông Lương Văn Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông cho biết: Theo Chương trình MTQG 1719 thì có nhiều nội dung sẽ được đầu tư cho người Đan Lai ở vùng lõi VQG. Đó là, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ phát triển cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ khai hoang cải tạo đất sản xuất, giống, vật tư sản xuất; hỗ trợ về giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người Đan Lai.

Hiện tại, thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719, với nội dung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, đã có 2 dự án được khởi công xây dựng. Đó là xây dựng kè chống sạt lở và bến đò cho khu vực dân cư bản Khe Búng và Cò Phạt; xây dựng công trình điện sinh hoạt cho cụm dân cư khe Lẻ và Co Kè thuộc bản Cò Phạt.

Người Đan Lai ở bản Búng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm
Người Đan Lai ở bản Búng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Hoàng Sỹ Kiện cho hay: Địa phương rất nhiều trăn trở trước cuộc sống khó khăn, vất vả của người Đan Lai ở vùng lõi VQG. Quá trình triển khai, thực hiện các chính sách cho đồng bào DTTS, huyện rất quan tâm và có nhiều ưu ái hơn cho người Đan Lai. Nhưng để triển khai các dự án, kế hoạch, chủ trương dành cho việc bảo tồn, phát triển bền vững tộc người này thì phải trông chờ rất nhiều vào ngân sách cấp trên.

Hiệu quả của những chương trình, dự án

Các chính sách, chương trình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất, giáo dục, y tế… cho người dân Đan Lai đã được thực hiện và mang lại hiệu quả. Ngoài hỗ trợ giống, cây con, dụng cụ sản xuất, nhu yếu phẩm…, VQG đã tạo sinh kế cho người dân, bằng hình thức giao khoán bảo vệ rừng. Từ năm 2013 - 2017, đã có 834 lượt hộ đồng bào Đan Lai tại bản Búng và Cò Phạt nhận khoán hơn 18.323 lượt ha rừng. 

Người Đan Lai đã biết tuốt lúa bằng máy thay vì dùng cối để giã
Người Đan Lai đã biết tuốt lúa bằng máy thay vì dùng cối để giã

Bên cạnh đó, các công trình giao thông nối trung tâm xã Môn Sơn vào hai bản và đường nội bản, hệ thống cấp nước sạch, phòng khám quân dân y kết hợp, cũng đã được Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An đầu tư thực hiện. Hiện đường nội bản ở Cò Phạt, bản Búng đã có nhiều chỗ được đổ bê tông. Tại trung tâm các bản đã có điểm trường, bệnh xá quân y, nhà nội trú giáo viên, nhà văn hóa… chắc chắn. Sóng điện thoại 3G và điện lưới thắp sáng đã phủ gần kín hai bản.

Song song đó, việc bảo tồn và phát triển văn hóa, xã hội đối với người Đan Lai cũng đã trở thành hoạt động mang tính “kế sách” lâu bền. Con em đồng bào Đan Lai trong vùng lõi VQG đã được vận động ra các trường trung tâm xã, huyện để học, nhằm tạo nguồn lâu dài và hướng nghiệp về sau phục vụ địa phương thôn bản. Phòng khám quân dân y kết hợp tại hai bản Búng và Cò Phạt đã có nhiều chương trình và định kỳ trong việc tuyên truyền sức khỏe sinh sản, phòng chống bệnh sốt rét, ăn ngủ hợp vệ sinh, nuôi nhốt gia súc và gia cầm xa khu dân cư, sử dụng nước hợp vệ sinh…

Bằng sự vào cuộc không ngừng nghỉ với phương châm “cầm tay chỉ việc” của cả hệ thống chính trị, hai bản của tộc người Đan Lai ở vùng lõi VQG đã có 16 ha sản xuất lúa, gần 10 ha sản xuất ngô và khoảng 1.000 con trâu bò. Người dân đã biết sản xuất lúa nước 2 vụ, sản xuất ngô 1 vụ, biết trồng cây ăn quả và rau quanh nhà sàn. Nhiều diện tích lúa ở vùng lõi của đồng bào ở VQG đã cho năng suất 60 tạ/ha, ngô chừng 39 - 42 tạ/ha. Nhiều hộ dân cũng đã mua sắm máy cày đa chức năng để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cuộc sống người Đan Lai ở vùng lõi VQG sẽ đổi thay hơn nhờ các chính sách dân tộc đang tiếp tục đầu tư và hỗ trợ
Cuộc sống người Đan Lai sẽ đổi thay hơn nhờ các chính sách dân tộc đang tiếp tục đầu tư và hỗ trợ

Hiện nay, người Đan Lai đã quen với việc mắc màn nằm ngủ. Xung quanh nhà cửa đã phát quang sạch sẽ để xua đuổi muỗi phòng chống bệnh sốt rét. Con em người Đan Lai cũng đã được học hành đầy đủ hơn. Hiện các bản đã có lớp học được xây dựng kiên cố, khang trang; mỗi bản đều có 4 - 5 phòng học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Ngay tại bản Búng, bản Cò Phạt, hiện mỗi bản đang có hơn 100 em học sinh đang theo học các cấp học, nhiều em đã tốt nghiệp THPT. 

Theo ông Đặng Văn Thân - Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn (Con Cuông), cuộc sống đồng bào Đan Lai ở vùng lõi VQG đã tiến những bước dài đáng kể. “Đó là sự nỗ lực, quan tâm, đầu tư, hỗ trợ rất lớn của cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm. Địa phương rất kỳ vọng Chương trình MTQG 1719, sẽ làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào vùng lõi VQG”, ông Thân bộc bạch.