Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Người đàn ông có nhiều con nhất Tây Nguyên

Hà Văn Đạo - 16:06, 27/08/2021

"Giờ buôn mình sống văn minh, các dân tộc, tôn giáo đều hòa đồng, tương trợ cho nhau. Có được điều ấy là nhờ công lớn của Đinh Minh Nhật. Có bữa thấy giày của Nhật rách bươm, đi cà nhắc rồi chống nạn đi hái tiêu thuê kiếm tiền cho đám trẻ được khỏe mạnh, dân Gia Rai mình thương lắm". Ông Đinh Long, dân tộc Gia Rai đã nói về người đàn ông có nhiều con nhất Tây Nguyên như vậy.

Ông Nhật bên những đứa con nuôi có thân phận thiệt thòi của mình
Ông Nhật bên những đứa con nuôi có thân phận thiệt thòi của mình

Công cha như núi, như sông

Người thấu hiểu, cảm phục thì gọi ông là “Ông Bụt của những thân phận thiệt thòi”. Người lớt phớt nhìn qua thì trêu ông là “thần kinh không bình thường”. Người thờ ơ gọi ông là “kẻ cõng đá tảng trên lưng”... Tất thảy điều ấy, trôi qua như một làn khói mỏng manh. Thôi thúc, neo bền trong tâm trí ông là mỗi ngày sống là một ngày lo toan, nuôi dưỡng người khác bị bỏ rơi, bị ruồng rẫy.

Rồi, cứ thế, năm nối năm, dãy nhà hút sâu của ông Đinh Minh Nhật ở thôn 1, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê (Gia Lai) trở thành nơi giành giật lại sự sống cho hàng trăm đứa trẻ. Nhất là những đứa trẻ vùng sâu, người dân tộc thiểu số. Không phân biệt chúng ra đời từ đâu, thuôc dân tộc nào, ông Nhật xem tất cả như ruột thịt của mình. Giữa nhọc nhằn, sương gió, đớn đau sự nhân ái vẫn được thắp lên, cháy sáng bền bỉ.

Một phản xạ như đã đã lập trình sẵn suốt gần 15 năm nay với ông Nhật, là sau khi làm rẫy về, việc đầu tiên là kiểm tra bếp núc. Ông bảo: Mình là đàn ông nhưng bây giờ phải tích hợp nhiều vai luôn. Vừa làm cha, làm mẹ, làm thầy, rồi làm “bác sĩ” đặc biệt của các cháu luôn. Ngoài các cháu đã đi đứng thạo, còn 12 đứa đang phải bế bồng.

Chưa một lần làm chồng, nhưng ông Nhật phải vừa làm cha, làm mẹ, làm thầy... làm bác sĩ
Chưa một lần làm chồng, nhưng ông Nhật phải vừa làm cha, làm mẹ, làm thầy... làm bác sĩ

Duyên phận tình cờ mà như định mệnh đặc biệt gắn với cuộc đời ông Nhật. Ông kể: Từ gần 15 năm trước, vào một buổi chiều mưa rát mặt, trong lúc từ rẫy về nhà, ông nghe tiếng trẻ con. Đứa trẻ thét lên rồi lả đi trong bọc vải. Ông biết đây lại là một vụ “tiễn” con theo mẹ, khi người mẹ vừa sinh con xong và không may bị chết. Đó là hủ tục chưa được xóa bỏ của người Gia Rai ngày ấy. Không ngần ngại, ông Nhật lao ra giằng đứa trẻ lại và cúi xin buôn làng hãy để ông nhận đứa trẻ làm con. Đứa trẻ đó tên Kpuih H’Lúi.

Như một sự lạ, người ở buôn bắt ông Nhật thề: Mỗi năm ông phải dẫn nó về thăm buôn làng một lần để làm tin. Ông Nhật làm theo và có H’Lúi từ đấy.

Đêm đầu tiên Lúi khóc như gào, ông Nhật dỗ dành đến mệt lã rồi ngủ thiếp đi theo Lúi. Những ngày sau đó ông Nhật chạy đua với thời gian vừa kiếm tiền nuôi Lúi vừa đôn đáo đến các buôn làng tuyên truyền cho người dân hiểu chôn con theo mẹ là hủ tục, là tội ác. Ở bất kể đâu có chuyện man rợ này là ông lao đến giành đứa trẻ về nuôi ngay. Nhiều đứa trẻ được ông đặt lại tên, như em Đinh Hồng Phúc, Đinh Đức, Hy Vọng...

Trong những chuyến vượt rừng, băng suối đi vận động người dân bỏ hủ tục, ám ảnh nhất với ông Nhật đó là khoảnh khắc người dân đưa đứa trẻ lên cho thầy cúng. Lúc này chỉ cần chậm vài giây là tính mạng đứa trẻ gặp hiểm nguy ngay.

Thấy minh chứng rõ ràng bằng xương, bằng thịt chính là những đứa trẻ khỏe mạnh do ông Nhật giành về nuôi, nên các buôn người Gia Rai bỏ hẳn hủ tục chôn con theo mẹ. Ai cũng vươn đến cuộc sống văn minh, sống đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau.

Nhiều đứa lớn đã giúp cha nuôi đỡ đần em nhỏ
Nhiều đứa lớn đã giúp cha nuôi đỡ đần em nhỏ

Ông Đinh Long, một người từng cản đường ông Nhật xúc động: "Giờ buôn làng mình sống văn minh. Các dân tộc, tôn giáo đều hòa đồng, tương trợ cho nhau. Có được điều ấy nhờ công lớn của Đinh Minh Nhật. Có bữa thấy giày của Nhật rách bươm, đi cà nhắc rồi chống nạng đi hái tiêu thuê kiếm tiền cho đám trẻ được khỏe mạnh, dân Gia Rai mình thương Nhật lắm".

Những quả ngọt

Từ ngày nhận đứa trẻ đầu tiên, ý nghĩ xây dựng gia đình nhỏ cho riêng mình với ông Nhật cứ bị cuốn đi bởi tiếng khóc đòi sữa của những đứa con nuôi. Có lúc, giữa khuya vắng, ông Nhật ngẫm thấy cuộc sống cũng thật kỳ diệu. Những công việc chưa từng biết đến như: Lau chùi, tắm táp trẻ sơ sinh. Ủ nó vào ngực. Hát ru, dỗ dành. Cặp nhiệt độ, theo dõi diễn biến sức khỏe ông đều mày mò và học được.

Biết ông cưu mang, chăm bẵm tốt, nên thấy trẻ bị vứt bỏ ở đâu người ta lại mang đến cho ông. Đủ mọi hoàn cảnh. Ông nâng đỡ từng bước đi, lo giấc ngủ. Có đêm chạy đến giường hết đứa này đến đứa khác loáng cái trời đã tảng sáng.

Trong những gian khó, ông Nhật vẫn tự nhủ mình còn may mắn. May là được gia đình để lại cho căn nhà không lớn lắm cộng với miếng rẫy  trồng cà phê. Nếu tằn tiện mỗi năm cũng lời được vài trăm triệu đồng. Chắt chiu làm nguồn sống cho 126 đứa con nuôi của mình. May là nhiều đứa ngất lịm, tím tái đi nhưng khi được ông ủ ấm, đút từng thìa cháo đã hồi sinh trở lại.

Nhìn đủ các thân phận thuộc nhiều dân tộc khác nhau đỡ đần, yêu thương như anh chị em ruột, với ông Nhật là niềm hạnh phúc lớn lao.

Phút chốc nghĩ chuyện riêng tư thoáng qua, ông kể: Cũng từng có mấy người mến mình, muốn gắn bó, nhưng thấy mình quần quật vì những đứa trẻ mồ côi, thiệt thòi, cơ nhỡ nên họ lại ái ngại.

Tình thương như liều thuốc xua tan nhọc nhằn, ông Nhật làm đủ việc từ làm vườn, làm rẫy đến làm thuê những công việc phù hợp để có tiền trang trải cho những đứa con nuôi.

126 đứa con nuôi của ông Nhật thuộc nhiều dân tộc, nhiều lứa tuổi khác nhau
126 đứa con nuôi của ông Nhật thuộc nhiều dân tộc, nhiều lứa tuổi khác nhau

Với gần 130 đứa trẻ, nỗi gian nan lớn nhất với ông Nhật hiện nay là kiếm việc làm thêm cho các cháu lớn. Ông bảo: Nhiều đứa lớn đã có thể đi phụ việc ở các tiệm bánh, quán cà phê trên địa bàn. Nhưng gần 2 năm nay, dịch Covid-19 hoành hành, các cháu phải nghỉ ở nhà. Nhìn từng nhóm con nuôi vừa nhặt rau vừa đánh vần chữ, ông Nhật cứ đưa tay quẹt nước mắt liên tục. "Mình thấu hiểu từng đứa. Đã thiếu thốn tình cảm rồi giờ thiếu dinh dưỡng nữa thì tội nghiệp. Thế nên xoay tứ bề, đi vay thêm cũng phải làm", ông chia sẻ.

Những chùm quả ngọt đầu tiên sau gần 15 năm gian khổ của ông Nhật tạo nên là đến năm 2021 này, có 13 em đang học trong các trường đại học. Có 20 em đang đi học trường nghề, 4 em vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, chuẩn bị học nghề tiếp.

Khát vọng như được lan tỏa mạnh mẽ, nhìn những tấm Bằng khen của các em đang học đại học, ông Nhật giãi bày: "Hạnh phúc lắm! Từ côi cút, bị bỏ ở ven đường… giờ các cháu đã trưởng thành. Đứa nào cũng dành sự lo lắng cho các em. Ngày nghỉ hè về là giúp tôi làm đủ thứ việc. Giờ tôi cũng đã sắp 60 tuổi rồi nên hy vọng rồi đây đứa lớn sẽ bao bọc đứa nhỏ trong gia đình lớn này. Rẫy cà phê hơn 1ha cũng là của chung của các cháu, cả căn nhà, mái ấm này nữa".

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.