Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

Con nuôi của Đồn Biên phòng

Phạm Việt Thắng - 09:25, 30/08/2020

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An đang nhận đỡ đầu cho 106 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi mẹ, mồ côi bố, mồ côi cả bố mẹ; trong đó có 20 cháu người Lào. Ngoài ra, có 17 cháu được nhận làm con nuôi Đồn Biên phòng (ĐBP), trong đó có 12 cháu được nuôi trực tiếp tại 7 đồn và 5 cháu nuôi tại gia đình.

Đại úy Phạm Đức Tính hướng dẫn hai cháu (Khang và Linh) gấp chăn màn mùa hè
Đại úy Phạm Đức Tính hướng dẫn hai cháu (Khang và Linh) gấp chăn màn mùa hè

Những đứa trẻ bất hạnh

Tìm về bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) nhà ông bà Lô Văn Phú và Lô Thị Hoa vui hẳn lên, khi cháu ngoại Ngân Trần Khang (SN 2011) báo tin được về tỉnh dự Liên hoan “Chắp cánh ước mơ” do BĐBP tỉnh, Đài Phát thanh Truyền hình và Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức.

Bên góc bếp, bà Hoa hết nắm tay đến xoa đầu Khang, rồi căn dặn cháu đủ điều. Rồi bà chùng giọng, kể về nỗi đau mất cha của anh em Khang: “Cha nó quê ở xã Tiền Phong, nhà nghèo lắm. Nó lấy con gái tui thì về bên này ở luôn. Khi thằng Khang lên 4 tuổi, còn thằng em thì đang nằm trong bụng mẹ, nó ra đi vì bệnh ung thư. Hai năm trời nó phát bệnh, đi viện suốt, nhà không còn bất kỳ thứ gì để bán nữa, tội lắm!”.

Bà cũng cho biết, mẹ của Khang, sau khi chồng mất, gửi hai con lại cho ông bà để đi làm tận trong miền Nam, cũng khó khăn nên chẳng có gì gửi về. “Biết ơn BĐBP lắm lắm! Nhờ BĐBP mà cháu tôi được nuôi nấng, ăn học, chắc chắn nó sẽ nên người”, bà Hoa nói trong xúc động.

Thiếu tá Hồ Đăng Thảo, Chính trị viên Phó ĐBP Thông Thụ cho biết: Ở khu vực này, đời sống của bà con còn rất khó khăn, nhất là nhiều trẻ em có hoàn cảnh rất bi đát. Đứa thì bố mẹ bỏ nhau, đứa thì mồ côi phải nương nhờ ông bà nội ngoại. Mà ông bà đã già cả, cũng đang rất cần sự đỡ đần.

Trong hơn 10 cháu có hoàn cảnh như thế, anh em đơn vị đã chọn ra 2 cháu bất hạnh nhất để nhận làm con nuôi. Ngoài ra, Đồn còn nhận đỡ đầu cho 3 cháu khác. Để nuôi các cháu, cán bộ, chiến sĩ Đồn phải trích tiền lương của mình, chỉ huy 100.000 đồng/người/tháng; cán bộ trích 50.000 đồng, còn chiến sĩ thì 10.000 đồng/người/tháng…

Ngân Trần Khang báo tin với bà được về tỉnh tham dự chương trình “Thắp sáng ước mơ”
Ngân Trần Khang báo tin với bà được về tỉnh tham dự chương trình “Thắp sáng ước mơ”

Thắp sáng ước mơ

Đại úy Phạm Đức Tính, Bí thư Chi đoàn ĐBP Thông Thụ được giao nhiệm vụ chủ trì trong việc nuôi dạy hai cháu. Anh cho biết, Chi đoàn lập kế hoạch cụ thể, từ việc đưa đón các cháu đi học, báo thức, vệ sinh cá nhân cho đến kèm các cháu học bài... đều có từng người phụ trách.

“Thời gian đầu dạy các cháu học vất vả lắm. Các cháu bị mất gốc, kiến thức cơ bản gần như bằng không, nếu không kiên nhẫn thì không thể dạy cho các cháu được. Hơn nữa, các cháu sinh hoạt thất thường quen rồi, nay vào khuôn khổ, giờ nào việc nấy rất khó chịu. 

Nhiều khi bực lắm, nhưng phải kìm chế hết sức, bởi chỉ cần mình to tiếng là các cháu sợ hãi, thế là sự gần gũi, tương tác giữa chú, cháu mất đi...”, Đại úy Tính chia sẻ.

Anh Tính cũng rất vui khi nói về kết quả học tập của các cháu: Cháu Khang nhỏ tuổi hơn nhưng sáng dạ, hiểu nhanh. Còn Linh thì phải mất rất nhiều thì giờ. Chưa thể nói là khá nhưng Linh đã tiến bộ rất nhiều.

Linh vốn rất ít nói, nhất là sau cái chết đột ngột của bố vì tai nạn trong lúc lao động, tuy nhiên, được sự quan tâm chăm sóc của các chú ở Đồn, giờ cũng đã dần thay đổi, cởi mở hơn. Em tâm sự: “Vâng lời các chú, mỗi lần về với ông bà, cháu biết kiếm củi, nấu cơm và giặt giũ quần áo cho ông bà và em nữa. Sang năm cháu học lên THCS, phải ở nội trú tại trường, cháu nhớ Đồn, nhớ các chú lắm. Cháu hứa sẽ cố gắng học giỏi để sau này được làm BĐBP!”...

Tin cùng chuyên mục
Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

“Mệ chỉ mong khỏe mạnh để tiếp tục se hương bán cho khách, nối tiếp nghề cha ông; ngày ngày gặp gỡ nói chuyện với bọn trẻ, cuối tháng dư ra năm mười triệu đem vô viện tặng mấy cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo!”... Đó là tâm sự của mệ Tuyết, một người phụ nữ khắc khổ, nhưng giàu lòng nhân ái mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trên hành trình tìm kiếm những sự tử tế trong cuộc sống bon chen.