Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Quảng Ninh: Khôi phục sản xuất nông lâm nghiệp sau bão số 3 từ vạch xuất phát

Mỹ Dung - 17:04, 18/10/2024

Bão số 3 gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành Nông lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh với tổng thiệt hại lên tới 25.000 tỷ đồng, bằng một nửa ngân sách của tỉnh năm 2023. Hiện các địa phương miền núi ở Quảng Ninh cùng bắt tay vào giúp người dân khắc phục hậu quả, nhưng cũng dấy lên âu lo khi cơn bão đưa tất cả về vạch xuất phát. Muôn vàn khó khăn đang cần tìm lời giải!

Nhiều cánh rừng bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3
Nhiều cánh rừng bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3

Nhân lực kiểm đếm thiệt hại rừng mỏng

Thiên tai bất ngờ đặt ra thách thức mới trước mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Ba Chẽ - địa phương vốn có tỷ lệ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Hơn 18 nghìn ha rừng bị thiệt hại trên địa bàn, cũng là nguồn thu nhập chính của khoảng 96% dân số cả huyện. Làm thế nào ổn định cuộc sống người dân vùng đồng bào DTTS, là điều mà ông Hoàng Văn Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sơn Hải với trách nhiệm của mình, cũng rất trăn trở khi hằng ngày đi động viên, cùng bà con người Dao tận thu keo rừng đang khô héo dần sau bão.

“Giờ nắng to nên bà con chỉ biết nỗ lực tận thu cho nhanh chứ không cây gãy, đổ lại càng nhanh khô, thiệt hại càng nặng nề hơn. Xã cũng đã đề nghị nâng mức hỗ trợ lên cho người dân, từ 4 triệu đồng lên thành 6 triệu đồng, từ 2 triệu đồng lên thành 4 triệu đồng, may mắn được đủ tiền cây giống cho bà con", ông Sơn cho hay.

Người dân tích cực tận thu rừng hạn chế thiệt hại sau bão
Người dân tích cực tận thu rừng hạn chế thiệt hại sau bão

Xã vùng cao Đồng Sơn (TP. Hạ Long) có khoảng 4 nghìn ha rừng bị thiệt hại do bão số 3, địa hình đi lại vô cùng khó khăn. Theo chia sẻ của lãnh đạo xã, ngay sau khi bão tan, UBND xã đã chỉ đạo các thôn cùng các ban, ngành, đoàn thể thành lập 04 tổ công tác của 4 thôn tổ chức rà soát thiệt hại rừng. Mỗi tổ từ 8-10 người, trong đó nhiều người không được hưởng chế độ.

Theo lời Chủ tịch xã Nguyễn Huy Hải, với diện tích rừng lớn thế này cũng phải khoảng hơn 2 tháng mới có thể hoàn thành được các nội dung liên quan đến kiểm đếm thiệt hại. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên cũng không có nguồn lực hỗ trợ những nhân lực không có lương. "Chúng tôi đề xuất với các cấp, các ngành quan tâm có cơ chế chính sách, chế độ để hướng dẫn địa phương hỗ trợ cho các đồng chí này”.

Xã vùng cao Đồng Sơn (TP.Hạ Long) có khoảng 4 nghìn ha rừng
Xã vùng cao Đồng Sơn (TP. Hạ Long) có khoảng 4 nghìn ha rừng

Khó khăn chung của nhiều địa phương là khâu kiểm đếm thiệt hại về rừng. Theo ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, trên địa bàn có khoảng 16 nghìn ha, thì phải 16 nghìn ô tiêu chuẩn thực hiện trong khâu kiểm đếm.

“Đối với 1ha rừng sản xuất mà bị thiệt hại phải quy một ô tiêu chuẩn 100m2 để xác định trữ lượng rừng bị thiệt hại với mức độ thiệt hại là bao nhiêu phần trăm. Thế nhưng đi quay ô tiêu chuẩn này phải đảm bảo thành phần tham gia, trong khi diện tích, số lượng rừng rất lớn”, ông Tuấn Minh cho hay.

Tìm lời giải cho bài toán khó

Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Trên 18 nghìn ha rừng trên địa bàn huyện, thì phải trong vòng 2 năm mới trồng lại được. Hiện trên địa bàn có khoảng 30 cơ sở sản xuất giống, với khoảng trên 2 triệu cây, chỉ đảm bảo đủ khả năng cung cấp giống cho khoảng 500ha.

“Đây cũng là một khó khăn cho huyện nên chúng tôi đang báo cáo với tỉnh để phát triển thêm các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn cũng như là ngoài địa bàn huyện, cố gắng đủ khả năng cung cấp cây giống cho bà con trồng trong 2 năm tới”.

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh đánh giá, diện tích rừng cần trồng mới có thể bằng cả nhiệm kỳ cộng lại. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã có những chỉ đạo, giải pháp đồng bộ để giúp người trồng rừng khôi phục sản xuất, đặc biệt là trong những lĩnh vực liên quan đến vốn đầu tư cũng như tiêu thụ những sản phẩm từ rừng hiện nay.

Theo ông Văn, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách, như: Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Theo đó, người dân được hỗ trợ trực tiếp cũng như hỗ trợ về vay vốn ngân hàng để trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện quy định tại Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ: Về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ đề xuất tỉnh hỗ trợ theo đặc thù của từng lĩnh vực.

Tỉnh Quảng Ninh kịp thời tổ chức các cuộc họp bàn về bàn phương án khôi phục sản xuất lâm nghiệp sau bão số 3
Tỉnh Quảng Ninh kịp thời tổ chức các cuộc họp bàn về phương án khôi phục sản xuất lâm nghiệp sau bão số 3

Tại cuộc họp ngày 30/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh -  Nghiêm Xuân Cường nhấn mạnh: UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn về những thiệt hại về nông - lâm nghiệp tập trung hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thành thủ tục hỗ trợ theo chính sách hiện hành; rà soát kỹ lưỡng, tổng hợp bất cập, vướng mắc, có văn bản đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ... gửi về Sở NN&PTNT để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh.

Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu văn bản gửi Bộ NN&PTNN tham gia ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 02/2017/NĐ- CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ: Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Tổng hợp và phân loại các kiến nghị, đề xuất của địa phương, đánh giá sự cần thiết làm cơ sở đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/10/2024.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.