Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người đánh thức tiềm năng du lịch ở Sin Suối Hồ

PV - 16:05, 25/03/2019

Với lợi thế cảnh quan được thiên nhiên ban tặng, bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch của tỉnh Lai Châu. Nắm bắt lợi thế đó, anh Vàng A Chỉnh đã tiên phong mang du lịch cộng đồng homestay về với bản Sin Suối Hồ.

Anh Vàng A Chỉnh chăm sóc những chậu địa lan của gia đình. Anh Vàng A Chỉnh chăm sóc những chậu địa lan của gia đình.

Anh Chỉnh kể lại, năm 2015, cả bản thu từ bán địa lan được gần 1,5 tỷ đồng; nhà nào bán nhiều nhất được 200-300 triệu đồng, tuy nhiên bà con vẫn chưa nhìn ra được tiềm năng từ việc đầu tư để trồng lan. “Hiểu rõ được tâm lý của bà con, tôi đã tích cực đến từng nhà để chia sẻ những kinh nghiệm chăm bón, bóc tách lan của mình cho người dân trong bản. Từ đó mà số lượng địa lan ngày càng tăng, trở thành điểm đặc trưng chỉ có ở bản Sin Suối Hồ”, anh Chỉnh chia sẻ.

Đến nay, 103 gia đình ở bản Sin Suối Hồ đều trồng phong lan và địa lan, ít thì vài chục chậu, nhiều lên đến vài trăm chậu.

Khi nhìn ra được lợi thế đang có, anh Vàng A Chỉnh cho sửa sang nhà cửa để cung cấp dịch vụ homestay ở Sin Suối Hồ. Sau đó, anh Chỉnh lắp đặt wifi tại nhà và còn nhờ cậu con trai đi học dưới huyện về lập cho một tài khoản mạng xã hội, để giới thiệu mô hình homestay tới du khách gần xa. Dù tiến bộ, văn minh nhưng ngôi nhà của anh vẫn giữ được nét chất phác, mộc mạc, đáng yêu của người Mông. Du khách tới lưu trú tại nhà anh Chỉnh sẽ được ngắm những chậu hoa lan, thưởng thức rượu táo mèo thơm nồng, cá suối, lợn thả đồi, gà Mông đen…

Từ cách làm du lịch của anh Chỉnh, ở Sin Suối Hồ đã có 6 hộ gia đình làm homestay, đủ khả năng cung cấp dịch vụ lưu trú cho khoảng 100 du khách/ngày đêm với giá 70.000 đồng/khách/đêm. Để tạo sự thoải mái cho du khách, anh Chỉnh đã góp ý với các gia đình chủ động đầu tư các trang thiết bị vật dụng trong nhà, tự lắp internet, xây dựng công trình phụ sạch sẽ để phục vụ khách du lịch. Hiện, các gia đình này có thể đón khách du lịch ăn và nghỉ tại nhà.

Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ cũng phát triển mô hình chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật của địa phương như: thuốc lá, thổ cẩm, ẩm thực gắn liền với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng. Thậm chí, một sân khấu được xây dựng đơn giản ở trung tâm bản để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc và một số nhà hàng của dân bản xây dựng với đặc sản thắng cố và rượu ngô phục vụ du khách. Đặc biệt ở bản Sin Suối Hồ, dù trong nhà, ngoài sân vườn hay đường sá cũng luôn sạch sẽ, tuyệt đối không thấy rác hay chất thải từ chăn nuôi.

Để làm được điều này, anh Chỉnh cho biết: “Qua các buổi họp dân, bản, chúng tôi đã phân chia rõ ràng mỗi gia đình tự dọn dẹp, bảo vệ từng đoạn đường. Việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đường ngõ bản cũng được đưa vào quy ước chung do bản lập ra. Đồng thời, bản thân tôi cũng thường xuyên tuyên truyền để bà con hiểu rõ việc giữ vệ sinh sạch sẽ là không có dịch bệnh, không có ốm đau. Chuồng trại nuôi trâu, bò, dê, lợn phải cách xa nơi ở và được dọn dẹp thường xuyên để không có mùi gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch”.

Với diện mạo cảnh quan sạch đẹp, người dân văn minh, Sin Suối Hồ hứa hẹn sẽ mang đến cho du lịch Lai Châu nhiều tiềm năng trong tương lai, đồng thời với xu hướng phát triển du lịch homestay như hiện nay, kinh tế của người dân ở Sin Suối Hồ sớm thay đổi từng ngày.

HỒNG MINH