Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người duy nhất biết chế tác nhạc cụ rơkel

PV - 16:03, 24/12/2018

Trong cộng đồng dân tộc Chu-ru sống dưới chân núi Lang Biang, thuộc buôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng hiện nay, ông Ha Sen (gần 70 tuổi) là nghệ nhân duy nhất biết chế tác và chỉnh sửa rơkel (kèn bầu 6 ống). Đây là loại nhạc cụ hơi truyền thống, rất phổ biến của đồng bào Chu-ru, có khả năng diễn tấu rất phong phú và thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

rơkel Nghệ nhân Ha Sen đang kiểm tra âm sắc của chiếc rơkel.

Trong cộng đồng dân tộc Chu-ru sống dưới chân núi Lang Biang, thuộc buôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng hiện nay, ông Ha Sen (gần 70 tuổi) là nghệ nhân duy nhất biết chế tác và chỉnh sửa rơkel (kèn bầu 6 ống). Đây là loại nhạc cụ hơi truyền thống, rất phổ biến của đồng bào Chu-ru, có khả năng diễn tấu rất phong phú và thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Nghệ nhân Ha Sen mê thổi rơkel (kèn bầu) từ nhỏ và chủ yếu nhìn, bắt chước cách thổi từ người anh trai của mình. Nhờ có năng khiếu trời cho, ông nhanh chóng nắm bắt được cách thổi và thổi một cách thuần thục, điêu luyện, trở thành một người diễn tấu rơkel nổi tiếng trong vùng.

Theo nghệ nhân Ha Sen, thổi rơkel có sẵn nhiều bản, nhiều giai điệu từ lâu đời, với những cung bậc vui buồn khác nhau. Những điệu vui tươi rộn ràng mang tính nghi lễ linh thiêng gồm “Lấy lửa”, “Cúng thần nước”, “Mừng lúa mới”, “Mừng nhà mới”, “Mừng cưới hỏi, thôi nôi”; điệu tự sự tâm tình có “Con đói rồi vợ ơi”; điệu buồn da diết đến nao lòng có “Pro” (con sóc), nói về thân phận người con không cha mẹ, không gia đình đơn độc giữa đại ngàn như một con sóc… Nhưng trước đây, trong cộng đồng Chu-ru không có ai biết ký âm để ghi chép lại bằng văn bản, nên sự truyền dạy chỉ theo trí nhớ của các nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm, ai có năng khiếu thì nhanh nhập tâm hơn, thổi hay hơn, có hồn vía hơn.

Nổi tiếng là một người diễn tấu rơkel từ khi còn rất trẻ, nhưng mãi tới năm 2000, khi đã bước vào cái tuổi “tri thiên mệnh”(50 tuổi), nghệ nhân Ha Sen mới quyết định tìm đến nhà một nghệ nhân đã ở tuổi gần đất xa trời để học về cách chế tác rơkel, với mong ước con cháu mình được lớn lên trong những giai điệu rơkel.

Là người thổi rơkel lâu năm, ông Ha Sen nắm bắt rất nhanh các công đoạn chế tác một rơkel từ cách chọn lựa trái bầu tới các ống nứa, cách ngâm, phơi vỏ bầu trong lá cây rừng để tránh co giãn và mối mọt… Nhờ tính cẩn trọng, kiên nhẫn, tỷ mỷ và niềm đam mê, sự quyết tâm nối nghiệp người thầy, chỉ một thời gian rất ngắn, ông đã chế tác được những chiếc rơkel chuẩn về âm sắc, đẹp về hình thức, bền về chất lượng được nhiều người thổi rơkel trong vùng yêu thích.

Sau khi người thầy qua đời, ông Ha Sen trở thành nghệ nhân duy nhất nắm giữ những kỹ thuật trong thao tác các công đoạn về chế tác rơkel của người Chu-ru dưới chân núi Lang Biang, Đà Lạt (Lâm Đồng)

Nói về các công đoạn chế tác rơkel, ông Ha Sen cho biết, để có chiếc rơkel hoàn chỉnh và chuẩn về âm sắc, trước tiên người nghệ nhân phải có kinh nghiệm chọn lựa được những trái bầu thật tốt, thật già và dày vỏ. Trái bầu được thả xuống giếng nước ngâm một vài ngày cho ruột rữa ra, sau đó khoét cắt một lỗ ở cuống để vét hết ruột và dùng nước rửa sạch phía trong trái bầu. Tiếp đó, đem vỏ bầu phơi nắng cho khô rồi cho vào luộc với loại lá cây rừng có vị đắng để bảo quản lâu dài không bị mối mọt. Để có một vỏ trái bầu có da màu nâu đỏ đẹp mắt, phải cho vỏ bầu lên gác bếp khoảng 1 tháng mới đem xuống phơi sương thêm vài đêm.

Tiếp đến là công đoạn khoét lỗ ở bên hông, nghệ nhân cho kiểm tra thẩm âm, khi thấy chuẩn mới lắp 6 ống nứa thành hai hàng. Theo đó, hàng phía bên trên sẽ gồm 4 ống, mỗi ống được khoét 1 lỗ tương ứng với các nốt nhạc sau: đô, rê, mi, fa; 2 ống ở hàng dưới cũng được khoét giống vậy, nhưng 2 lỗ này chỉ tạo ra được một nốt sol, vì thế rơkel thiếu nốt la và si.

Trong quá trình chế tác, phải tính toán căn chỉnh làm sao cho 6 ống nứa nằm ở chính giữa vỏ bầu (hộp âm), sau đó dùng dao khoét 1 lỗ khoảng 2cm để gắn vào một cái lưỡi gà bằng inox cho tạo ra độ rung khi thổi. Công đoạn này đòi hỏi người nghệ nhân phải làm rất tỉ mẩn, điêu luyện tay nghề, vì nó quyết định tới chất lượng âm sắc, hồn vía của rơkel. Cuối cùng để hoàn chỉnh một rơkel, nghệ nhân sẽ gắn 6 ống nứa vào hộp âm (vỏ bầu) và lấy sáp của loài ong muỗi trong rừng để trét cố định. Một chiếc rơkel 6 ống, trong đó có 4 ống liền nhau khi thổi có vai trò giữ giai điệu và 2 ống khác giữ vai trò đệm bè. Để chế tác một chiếc rơkel hoàn chỉnh phải mất một tuần.

Hiện nay, sau 18 năm tâm huyết với nghề chế tác rơkel, tên tuổi và sản phẩm của ông đã trở thành một thương hiệu được khách hàng không chỉ của đồng bào Chu-ru mà các cộng đồng dân tộc khác cũng tìm tới nhà đặt hàng, với giá bán khoảng từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/chiếc.

Đặc biệt ông Ha Sen đang rất vui mừng, tự hào vì cô con gái Ma Tham (43 tuổi) cùng cháu ngoại Ma Viên (12 tuổi) đều yêu thích, đam mê nối nghiệp ông: thổi rơkel.

LƯƠNG ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.