Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người duy nhất còn giữ nghề tạc tượng ở làng Chuét 2

THÙY DUNG - 10:52, 01/10/2019

Ksor Khoa dân tộc Jrai là người duy nhất ở làng Chuét 2, phường Thắng Lợi TP. Pleiku (Gia Lai) còn giữ được nghề tạc tượng truyền thống.

Bức tượng mẹ bồng con tại nơi chế tác tượng gỗ của anh Ksor Khoa.
Bức tượng mẹ bồng con tại nơi chế tác tượng gỗ của anh Ksor Khoa.

Thổi hồn tượng gỗ

Chúng tôi gặp anh Ksor Khoa khi anh vừa trở về sau 7 tháng đi dựng cây nêu và làm nhà sàn ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Nói về cơ duyên đến với tạc tượng truyền thống, anh Khoa cho biết, người truyền cảm hứng cho anh đến với nghề là người cậu họ.

Ông là một người rất am hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại địa phương.

Theo Ksor Khoa, người Jrai tạc tượng gỗ để phục vụ đời sống tinh thần. Họ tạc tượng để phục vụ lễ Pơ Thi, đám chết hay trang trí nhà rông, nhà sàn. Nhưng chủ yếu phục vụ trang trí xung quanh ngôi mộ của người đã khuất. Những bức tượng mang ý nghĩa gắn liền với đời sống tinh thần của con người lúc còn sống. Người ta sống gắn liền với thứ gì, thì chết đi cũng gắn liền với thứ đó.

Mỗi bức tượng gỗ có rất nhiều hình dạng khác nhau và mang những ý nghĩa riêng. “Tiêu biểu như tượng mẹ ôm con. Tượng này để an ủi người đã khuất, cho họ cảm nhận được gia đình luôn ở bên cạnh. Tượng Chim-được để trước nhà mồ với ý nghĩa bảo vệ cho người đã khuất…”, Ksor Khoa cho biết.

Để biến một khúc gỗ vô tri, vô giác thành nhân vật sống động, người tạc tượng phải biết cách chọn gỗ, nắm vững các thao tác, chú tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất để tạo hình phù hợp. Khó nhất là lột tả được thần thái, những biểu cảm khác của nhân vật. Người tạc phải là người có kinh nghiệm, khéo léo trong cách tạo hình thì mới tạc thành công.

Được biết, trước kia một nghệ nhân tạc xong một bức tượng phải hết 1-2 tuần, nhưng nay nhờ cơ khí hóa, việc tạc tượng đã được rút ngắn, chỉ 3-5 ngày. Với mỗi bức tượng, tùy vào độ khó và thời gian hoàn thành sản phẩm mà có giá khác nhau, thường dao động từ 500 ngàn đến 2 hoặc 3 triệu đồng. Gỗ để tạc tượng có nhiều loại, như muồng đen, mít già, knia…

“Khách hàng của mình thường là những người dân trong làng. Ngoài ra, còn có một số khách khi có nhu cầu mở quán phục vụ khách du lịch muốn trải nghiệm văn hóa của đồng bào DTTS, họ sẽ đến tạc tượng về trang trí quán. Công việc này tuy không nhiều tiền, nhưng mình làm là vì đam mê và mong muốn giữ gìn được nghề truyền thống mà cha ông để lại”, Ksor Khoa cho biết thêm.

Trăn trở vì không tìm được người học

Tháng 11/2018, Ksor Khoa được mời làm đại diện TP. Pleiku đi tham gia tạc tượng gỗ truyền thống tại Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của người cậu, anh được nhận một số đơn hàng từ Bảo tàng tượng gỗ tại khu du lịch Làng Cù Lần tại xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

“Mới đây, mình được người ở Lâm Đồng mới đi làm cây nêu phục vụ cho lễ Pơ Thi. Có người còn mời mình cùng một số người biết tạc tượng ở Gia Lai đi đến xã Lát để dựng nhà sàn, tạc và điêu khắc những họa tiết lên ngôi nhà. Nhờ có như vậy, mà mình cũng có đồng ra, đồng vào trang trải cho gia đình”, Ksor Khoa chia sẻ.

Được biết, làng Chuét 2 bây giờ chỉ còn mình Ksor Khoa biết tạc tượng gỗ truyền thống. “Ngày trước, mình hay đi kêu gọi thanh niên trong làng đến nhà học tạc tượng. Lúc đầu họ cũng hào hứng lắm, nhưng cũng chỉ ba bữa là bỏ dần, một tuần sau không còn ai đến nhà mình học nữa. Mình muốn có người học lắm, nhưng không tìm được ai cả. Nhiều lần mình đi vận động các thanh niên trong làng, nhưng không ai học hết. Người ta không thích thì mình chịu thôi, không có đam mê thì không làm nghề này được…”, chàng trai trẻ bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.