Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người kể chuyện bằng tượng

PV - 14:55, 15/09/2020

Hơn 10 năm nay, ông A Tân ở làng Kon Săm Lũ, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy đã biến những khúc gỗ khô thành những bức tượng sống động, có hồn. Đam mê tượng gỗ, ông dành nguyên một khu vườn rộng để tạc và trưng bày tượng. Khu vườn tượng của ông như một câu chuyện khá đầy đủ về đời sống cũng như sinh hoạt văn hóa của người Ba Na.

Vườn tượng nhà ông A Tân kể lên những câu chuyện về đời sống của người Ba Na. Ảnh: T.T
Vườn tượng nhà ông A Tân kể lên những câu chuyện về đời sống của người Ba Na. Ảnh: T.T

Đam mê tạc tượng

Mặt trời lên cũng là lúc ông A Tân bê chiếc thúng đựng dụng cụ đục, đẽo… xuống vườn tượng. Phóng tầm mắt ra xa, ông ngắm lại các bức tượng do chính mình tạc nên, rồi yên tâm bắt tay vào tạc bức tượng người đàn ông đánh đàn tơ rưng đang dang dở. Nhẩm nhẩm tính, ông bảo: “Mình tạc tượng chắc được hơn 10 năm. Giờ lớn tuổi rồi, tay chân không còn linh hoạt như trước nhưng bù lại kinh nghiệm nhiều hơn, làm cũng dễ dàng hơn”.

Ông A Tân không nhớ rõ mình bắt đầu học tạc tượng từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ khi còn nhỏ, vì mê tạc tượng nên chiều lại, khi đám bạn trong làng rủ nhau vui chơi thì ông lại theo chân những người già trong làng học tạc tượng.

Hồi tưởng lại những ngày đầu theo học tạc tượng, ông cười bảo: “Khi được cho thử đục thớ gỗ đầu tiên, tay chân mình run cầm cập, cứ sợ hư gỗ”. Từ những vụng về ban đầu, siêng năng, chịu khó để ý, dần dà ông biết tạc tượng. Kể từ đó, khi ăn, ngủ, đi lên rẫy… lúc nào ông cũng nghĩ về việc tạc tượng. Ông mường tượng trong đầu bức tượng cần tạc, cẩn thận phác họa bằng bút rồi từ từ đục theo. “Hồi đầu mình làm bị hư gỗ miết thôi. Từ từ rút kinh nghiệm dần. Có lần mê mải tạc từ sáng đến tối, tay phồng rộp, mắt cay xè, cái lưng như muốn gãy. Làm thì mệt nhưng nhìn bức tượng hoàn thành, tinh thần lại phấn khởi, có động lực để làm tiếp” – ông Tân bồi hồi nhớ lại.

Đó là chuyện của ngày xưa, giờ mọi việc đã khác. Không cần phải phác họa trước, ông áng chừng bằng mắt rồi cứ thế thể hiện. Không chỉ đục tượng để thỏa đam mê, ông còn đục tượng cho dân làng. Nhiều người tìm đến ông, nói ý tưởng, và hoàn toàn yên tâm, chờ đợi tác phẩm. Chỉ với dùi, đục, đôi tay ông thoăn thoắt đưa lên đập xuống mà khúc gỗ thành tượng đẹp.

Ông A Tân hướng dẫn con trai cách tạc tượng. Ảnh: Tiến - Thành
Ông A Tân hướng dẫn con trai cách tạc tượng. Ảnh: Tiến - Thành

Những người già biết tạc tượng dần mất đi; những người biết tạc tượng lại tất bật với ruộng rẫy nên ở xã Đăk Tờ Re cũng chẳng mấy ai mặn mà với nghề tạc tượng. Dẫu cũng gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền để lo cho đàn con, lo cho gia đình, nhưng ông A Tân vẫn giữ nguyên đam mê tạc tượng. “Ngày nào không được tạc tượng, mình không muốn ăn một cái gì hết. Sáng nào cũng phải ra đục đẽo một lúc rồi mới đi làm được. Dù đi rẫy về muộn, mình cũng phải xuống thăm vườn tượng rồi mới ngủ ngon” – ông A Tân cười hiền.

Những câu chuyện được kể bằng tượng

Dẫn chúng tôi ra xem bức tượng người đàn ông cầm giáo với tư thế mạnh mẽ, ông A Tân giới thiệu rằng, đó là hình tượng của một người rất có uy tín trong làng. “Ngày trước, bất kể ai muốn vào làng, đều phải gặp và xin phép người này, nếu người này đồng ý, mới được vào. Qua những lời kể của cha ông, mình mường tượng lại và tạc nên” – ông A Tân kể.

Đã đi tham quan nhiều nơi, tìm hiểu nhiều về tượng gỗ, nhưng chưa ở đâu đem lại cho chúng tôi những cảm xúc đặc biệt như vườn tượng của ông A Tân. Tôi như thấy mình ở đêm hội cồng chiêng khi đứng trước bức tượng người đánh cồng chiêng với ánh mắt vui tươi, phấn khởi; hay như đang cùng những người phụ nữ Ba Na cõng chiếc gùi chứa đầy những bầu nước mát trở về nhà sau một ngày làm rẫy khi đứng trước bức tượng người phụ nữ cầm quả bầu.

Mỗi bức tượng như biết nói, kể về một câu chuyện về đời sống tâm linh, đời sống văn hóa, tinh thần và sinh hoạt của người Ba Na. Đó là bức tượng đàn ông mang rìu lên rẫy, tượng người đàn ông bắn nỏ…, thể hiện sự chăm chỉ, cần cù, chiến thắng thiên nhiên để xây dựng đời sống ấm no; bức tượng người phụ nữ dệt vải, giã gạo toát lên sự chăm chỉ, đảm đang; tượng người đàn ông trầm ngâm bên tẩu thuốc lại diễn tả phút suy tư, trăn trở về cuộc sống…

Ông A Tân giới thiệu bức tượng do chính tay ông làm đặt tại nhà rông của làng. Ảnh: T-T
Ông A Tân giới thiệu bức tượng do chính tay ông làm đặt tại nhà rông của làng. Ảnh: T-T

Bởi ông A Tân luôn dành hết tâm trí của mình vào từng bức tượng nên rất dễ nhận ra mỗi bức tượng ấy đều có hồn, mang lại cảm xúc sâu lắng. Hơn thế, vì là người Ba Na, hiểu về văn hóa, nhịp sống thường ngày của dân tộc mình nên ông thoải mái sáng tạo, kể lại những câu chuyện thông qua những bức tượng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông bảo rằng, tạc tượng, khó nhất là khuôn mặt. Thông thường ông mất khoảng 2-3 ngày để tạc xong một bức tượng, nhưng phần tạc khuôn mặt, ánh mắt chiếm gần 2/3 thời gian. “Nhiều người vào tham quan rồi khen mình tạc tượng đẹp, có hồn. Vừa rồi, có đơn vị đặt mình 30 tượng gỗ để mang lên Măng Đen (huyện Kon Plông) đấy” – ông A Tân thật thà khoe.

Cũng vì làm tượng đẹp nên ông được tham gia rất nhiều chương trình, sự kiện liên hoan văn hóa, và lần nào, ông cũng “rinh” giải cao về tạc tượng. Với tay nghề cao và để lại nhiều dấu ấn trong từng tác phẩm riêng của mình, năm 2019, ông A Tân được phong danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Vui vì những nỗ lực, cố gắng được công nhận, nhưng ông Tân chia sẻ chỉ thật sự hạnh phúc khi có người muốn tìm hiểu về tượng gỗ, về văn hóa dân gian. “Mình sẵn sàng hướng dẫn, truyền nghề nếu ai muốn học để nghề tạc tượng gỗ không bị mai một” – ông Tân tâm sự.