Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Người lao động Việt ở Ả-rập Xê-út cầu cứu

Quỳnh Trâm - 09:08, 07/09/2020

Gần 1 năm qua, anh Quách Văn Điệp, thôn Bãi Hưng, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cầm đơn đi gõ cửa khắp nơi để cầu cứu cho vợ là chị Cao Thị Huyền (29 tuổi), lao động giúp việc ở Ả-rập Xê-út, hiện vẫn chưa được về dù đã hết thời hạn hợp đồng.

Anh Quách Văn Điệp chồng chị Huyền cầm đơn đi cầu cứu khắp nơi cho vợ sớm được về nước
Anh Quách Văn Điệp chồng chị Huyền cầm đơn đi cầu cứu khắp nơi cho vợ sớm được về nước

Tiếng kêu cứu từ Ả-rập Xê-út

Theo trình bày của anh Quách Văn Điệp, tháng 5/2017, vợ anh là chị Cao Thị Huyền xuất cảnh sang Ả-rập Xê-út làm giúp việc gia đình. Để đi xuất khẩu, chị Huyền ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát chi nhánh Thanh Hóa, có địa chỉ tại Khu đô thị mới Đông Sơn, phường An Hoạch, TP. Thanh Hóa (trụ sở chính tại số 48 TT 11B Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Theo thỏa thuận, chị Huyền đi lao động tại Ả-rập Xê-út trong 24 tháng (bắt đầu từ tháng 7/2017), với mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng. 

 Anh Điệp cho biết, thời gian đầu mới sang nước bạn, vợ anh vẫn còn được sử dụng điện thoại để liên lạc với gia đình dù không thường xuyên. Trong những lần ít ỏi nói chuyện với chồng, chị Huyền kể thường xuyên bị chủ nhà chửi mắng dù phải làm việc vất vả.

“Vợ tôi cho hay hằng ngày phải làm việc đến 16 - 17 tiếng, không có thời gian nghỉ ngơi. Thời gian đầu, nhà chủ vẫn thanh toán tiền lương đúng hạn, nhưng sau đó thì nợ đến 7 - 8 tháng lương. Họ còn thu điện thoại không cho vợ tôi liên lạc về nhà”, anh Điệp nói.

Nhưng điều khiến gia đình anh vô cùng lo lắng là, đến tháng 5/2019 hợp đồng lao động hết hạn, thế nhưng chị Huyền vẫn bặt vô âm tín. Trong một tin nhắn gửi về hồi tháng 10/2019, chị Huyền khẩn thiết nói: “Bây giờ em quá kiệt sức rồi, không thể cố gắng thêm được nữa. Hai chân em giờ không đi được, đau tức ngực không thở được. Anh nhanh chóng liên hệ với công ty đưa em về, nếu không em chết ở bên này mất”.

Anh Điệp nhiều lần gọi điện cũng như tìm đến Công ty Vĩnh Cát hỏi và yêu cầu tìm cách đưa chị Huyền về nước. “Nhưng họ chỉ hứa rồi để đó, vợ tôi vẫn không có thông tin gì”, anh Điệp bức xúc. 

“Đem con bỏ chợ”

Tháng 11/2019, trả lời đơn thư của anh Điệp, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin, đã yêu cầu Công ty Vĩnh Cát khẩn trương phối hợp với đối tác nước ngoài để sớm đưa chị Huyền về nước an toàn. Thời điểm đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Cát cam kết “sẽ can thiệp để đưa chị Huyền về nước trong thời gian 30 ngày”, nhưng đó chỉ là lời hứa suông.

“Đến tháng 4/2020, tôi nhờ người quen đang ở Ả-rập Xê-út liên hệ để hỏi thăm vợ. Vợ tôi khóc rồi cho biết, nhà chủ thu máy điện thoại, không cho liên lạc. Họ còn nợ 2 tháng lương chưa trả. Từ lúc hết hợp đồng, ngày nào nhà chủ cũng đánh đập, ép làm quá sức, vợ tôi chỉ mong được cứu về nước”, anh Điệp cho biết. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, chị Huyền không phải là trường hợp duy nhất mà Công ty Vĩnh Cát “đem con bỏ chợ”. Bà Trương Thị Quế, 44 tuổi, ở xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh cũng là lao động giúp việc ở Ả-rập Xê-út thông qua Công ty Vĩnh Cát. Dù hết hạn hợp đồng từ tháng 11/2019, nhưng đến nay bà Quế vẫn chưa được về nước. 

“Sở đã nhận được phản ánh của gia đình chị Huyền và bà Quế. Sở đang yêu cầu Công ty Vĩnh Cát chi nhánh tại Thanh Hóa báo cáo bằng văn bản, chúng tôi sẽ thông tin lại”, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Sở đã nhận được phản ánh của gia đình chị Huyền và bà Quế. Sở đang yêu cầu Công ty Vĩnh Cát chi nhánh tại Thanh Hóa báo cáo bằng văn bản, chúng tôi sẽ thông tin lại”.

Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động,Thương binh và Xã hội

 tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục
Bắt giữ chủ thầu xây dựng trả công người lao động bằng ma túy

Bắt giữ chủ thầu xây dựng trả công người lao động bằng ma túy

Công an huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng đã bắt giữ nhiều ổ nhóm sử dụng, mua bán ma túy tại các địa bàn có khu công nghiệp, dự án tập trung đông người lao động ngoại tỉnh, trong đó, bắt 2 đối tượng là chủ thầu và quản lý công trình xây dựng có hành vi chia nhỏ ma túy Heroin để trả công cho công nhân.