Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người mang “hồn” then lên Cao nguyên đất đỏ bazan

H. Thùy - P. Trọng - 15:48, 05/11/2021

Vào Tây Nguyên lập nghiệp mang theo di sản văn hóa dân tộc là lời then, điệu tính, nghệ nhân Nông Thanh Hưu, dân tộc Tày, ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút (Đắk Nông) góp công lớn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên vùng đất Cao nguyên đất đỏ bazan.

Câu lạc bộ đàn Tính, hát Then của ông Nông Thanh Hưu biểu diễn tại chương trình của huyện Cư Jút
Câu lạc bộ đàn Tính, hát Then của ông Nông Thanh Hưu biểu diễn tại chương trình của huyện Cư Jút

Lớn lên trong cái nôi của văn hóa đàn tính, hát Then tỉnh Cao Bằng, ông Nông Thanh Hưu được thụ hưởng tinh hoa văn hóa của dân tộc, hiểu được giá trị điệu tính, lời then nên dù ở đâu, trong tâm trí của ông hồn quê luôn hiện hữu.

Năm 1992 rời quân ngũ, ông Nông Thanh Hưu khoác ba lô vào Tây Nguyên lập nghiệp và định cư tại thôn 9, xã Nam Dong. Hành trang mang theo ngoài đồ đạc cần thiết không thể thiếu cây đàn tính. Ông Hưu chia sẻ, những ngày đầu đặt chân trên vùng đất mới, buồn lắm, cũng may có cây đàn tính bầu bạn ngân nga đôi ba làn điệu then cho nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

“Đối với đồng bào dân tộc Tày, Nùng mà nói, đàn tính, hát then là món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của chúng tôi. Bởi điệu then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng”, ông Hưu nói.

Theo ông Hưu, xưa kia, bản làng nào của người Tày, người Nùng cũng có ông then, bà then. Đó là những Người có uy tín trong bản, biết nhiều điệu then, thể hiện chúng một cách nhuần nhuyễn. Những ông then, bà then đẳng cấp đạt đủ 13 quai - thang bậc cao nhất của những người biết hát then làm lễ bao giờ cũng nhận được sự kính trọng của cộng đồng.

Không chỉ thuộc nhiều lời then, diễn tấu nhiều điệu tính mà nghệ nhân Nông Thanh Hưu còn là người chế tác đàn tính có tiếng ở một số tỉnh Tây Nguyên. Nhiều người trong và ngoài tỉnh đã đến tận nhà ông đặt hàng cho các đội văn nghệ chuyên nghiệp. Theo tính toán của ông, 25 năm chế tác đàn tính, đến nay ông đã làm được hơn 400 cây đàn tính lớn nhỏ các loại.

Ông Nông Thanh Hưu không chỉ chế tác đàn Tính mà còn sáng tác lời Then
Ông Nông Thanh Hưu không chỉ chế tác đàn Tính mà còn sáng tác lời Then

Những năm gần đây, ông Hưu còn mở lớp dạy đàn tính, hát then cho các em học sinh để khơi dậy cho các em nhỏ dân tộc Tày, Nùng niềm đam mê âm nhạc dân gian của dân tộc mình trên vùng đất Tây Nguyên.

Em Tô Thị Hoài Phương, học viên của lớp đàn tính, hát then của ông Hưu chia sẻ: “Khi được ông Hưu truyền dạy hát then, đàn tính, em hiểu thêm được những tinh tế trong từng giai điệu, hiểu thêm về tính năng của những nhạc cụ dân tộc. Sau này em mong muốn được đi theo con đường âm nhạc dân tộc”.

Đến nay, ông Nông Thanh Hưu đã sáng tác hơn 300 bài hát then và đã thành lập 2 Câu lạc bộ (CLB) đàn tính, với 90 người biết chơi đàn tính, hát được các bài hát Then. Các CLB của ông vinh tham dự và đạt nhiều giải thưởng của tỉnh và toàn quốc. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Cư Jút cho biết: Đàn tính và điệu then như một luồng gió mới làm phong phú thêm đời sống, tinh thần của người dân địa phương trên vùng Cao nguyên đất đỏ bazan này. Những việc làm của ông Nông Thanh Hưu rất có ý nghĩa, góp phần thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Cư Jút có kế hoạch đầu tư 40 tỷ đồng bảo tồn văn hóa đàn tính, hát then của dân tộc Tày, Nùng tại 4 xã: Nam Dong, Đắk Drông, Cư Knia và Ea Pô.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.