Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vẳng điệu then – đàn tính giữa Thành phố mang tên Bác

PV - 11:05, 18/11/2020

Hát then là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái, tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Nhưng thật thú vị, suốt 8 năm qua ở vùng đất phương Nam cũng có một câu lạc bộ say sưa lan tỏa những điệu hát then giữa Thành phố sôi động mang tên Bác.

CLB Hát then - đàn tính TP. Hồ Chí Minh sinh hoạt vào sáng Chủ nhật hàng tuần tại Nhà văn hóa sinh viên của Khu đô thị ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
CLB Hát then - đàn tính TP. Hồ Chí Minh sinh hoạt vào sáng Chủ nhật hàng tuần tại Nhà văn hóa sinh viên của Khu đô thị ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Những câu hát then, tiếng đàn tính được vang lên trong các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Hát then - đàn tính TP. Hồ Chí Minh vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần tại Nhà văn hóa sinh viên của Khu Đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ở quận Thủ Đức.

CLB hiện có khoảng 20 thành viên sinh hoạt thường xuyên và hơn 50 thành viên khác góp mặt khi có thời gian, hoặc khi được CLB yêu cầu. Hầu hết các thành viên đều có quê gốc ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… nhưng đã theo gia đình di cư vào khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Bình Phước, Bình Dương sinh sống. Rồi khi tới TP. Hồ Chí Minh học tập, tại thành phố năng động bậc nhất của cả nước này, ngoài nỗi nhớ nhà, các bạn trẻ người dân tộc Tày, Nùng còn mang theo nỗi nhớ điệu hát then, tiếng đàn tính của dân tộc mình. Vì vậy, năm 2013, một số bạn trẻ đã đứng ra thành lập CLB Hát then- đàn tính ở TP. Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, nhiều thế hệ sinh viên người Tày, Nùng đã đến với Câu lạc bộ để cùng nhau gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc mình.

Theo nhiều nghiên cứu, hát then vốn là điệu hát để tế Trời, là nghi lễ diễn xướng tâm linh. Theo thời gian, hát then đã trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của cộng đồng dân tộc Tày – Nùng – Thái ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta. Đi cùng với làn điệu hát then là cây đàn tính.

CLB Hát then - đàn tính TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 20 thành viên và 50 cựu thành viên.
CLB Hát then - đàn tính TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 20 thành viên và 50 cựu thành viên.

Lời hát then giờ đây không chỉ là lời nguyện cầu mưa thuận gió hòa, ấm no cho bản làng mà còn là phương tiện để người dân tộc Tày - Nùng - Thái chuyển tải tình cảm đối với quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Hát then không chỉ nằm trong Danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam mà đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ ngày 12/12/2019. Chính vì ý nghĩa đó mà chàng trai người Tày - Phan Văn Trọng cũng như các thành viên của CLB muốn gìn giữ và lan tỏa loại hình nghệ thuật này.

Từ người sáng lập đầu tiên là anh Lương Văn Danh, đến nay CLB Hát then - đàn tính TP. Hồ Chí Minh đã trải qua 8 năm với 4 thế hệ chủ nhiệm. Người đang giữ vai trò Chủ nhiệm CLB là Đinh Thị Luyến, một sinh viên người Tày đang theo học tại Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Với Luyến, CLB không chỉ là nơi gặp gỡ của các bạn trẻ người dân tộc Tày, Nùng yêu âm nhạc dân tộc, mà còn là nơi để giới thiệu hát then - đàn tính đến với các bạn trẻ khác.

CLB Hát then - đàn tính TP. Hồ Chí Minh đang biểu diễn tại Ngày hội tân sinh viên năm 2020.
CLB Hát then- đàn tính TP. Hồ Chí Minh đang biểu diễn tại Ngày hội tân sinh viên năm 2020.

"Với vai trò là chủ nhiệm CLB thì mong muốn của mình là giữ gìn được những gì mà các anh chị đi trước đã gây dựng nên và đưa CLB phát triển hơn. Hiện nay, thành viên chủ yếu của CLB là người Tày, Nùng nhưng CLB luôn đón chào các bạn dân tộc khác có đam mê và yêu thích hát then - đàn tính.", Luyến chia sẻ.

Những năm đầu khi mới thành lập, CLB Hát then – đàn tính TP. Hồ Chí Minh nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn từ nhạc sĩ Hoàng Phi Quân, một nghệ sĩ người Tày rất am hiểu về hát then - đàn tính. Về sau, khi nhạc sĩ lớn tuổi, không thể đồng hành cùng CLB thì các thế hệ thành viên tự trao truyền lại cho nhau. Người biết chỉ cho người chưa biết, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, cứ thế các bạn trẻ Tày, Nùng cùng nhau gìn giữ làn điệu hát then - đàn tính.

Không chỉ yêu mến hát then - đàn tính, các thành viên trong CLB còn luôn ý thức về vai trò của người trẻ trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hoàng Thị Dung - một cô gái người dân tộc Nùng, tham gia CLB được 7 năm. Từ khi còn là sinh viên cho đến nay đã ra trường và đi làm, công việc khá bận rộn nhưng Dung vẫn dành thời gian cuối tuần về sinh hoạt cùng CLB và hướng dẫn các bạn đến sau.

Hai cựu thành viên Nguyễn Văn Huy và Hoàng Thị Dung tham gia Hội trại với các thế hệ đàn em trong CLB.
Hai cựu thành viên Nguyễn Văn Huy và Hoàng Thị Dung tham gia Hội trại với các thế hệ đàn em trong CLB.

"Những người lớn thì vì nhiều lý do nên phải rời khỏi CLB, và các bạn trẻ có đam mê nhưng lại không có đội ngũ dẫn dắt. Đó là điều mình trăn trở, mình mong muốn rằng CLB của mình sẽ có những nhân sự chủ chốt để có thể kết nối với mọi người.", Dung cho biết.

Ngoài sinh hoạt hàng tuần tại Nhà văn hóa Sinh viên ở Khu đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, CLB còn có nhiều hoạt động khác để gắn kết các thế hệ thành viên, điển hình là Hội trại Tày - Nùng được tổ chức vào tháng 10 hằng năm. Tại Hội trại, cùng với giao lưu hát then - đàn tính, các bạn trẻ còn thi nhảy sạp, ném còn.

Anh Nguyễn Văn Huy, dân tộc Tày, là một trong những cựu thành viên của CLB, vì hoàn cảnh riêng đã trở lại Cao Bằng sinh sống nhưng vẫn cố gắng vào TP. Hồ Chí Minh dự Hội trại với mong muốn truyền lửa cho các lứa sinh viên sau. "Hội trại hằng năm giờ đã trở thành truyền thống của Hội nhóm Tày – Nùng TP. Hồ Chí Minh. Mình rất muốn tới đây để cùng trải nghiệm, cùng các bạn sống trong văn hóa của dân tộc, đóng góp một phần nho nhỏ của mình để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.", anh Huy chia sẻ.

Không chỉ giao lưu, sinh hoạt nội bộ, CLB Hát then – đàn tính TP. Hồ Chí Minh còn nhận lời mời đi biểu diễn tại nhiều trường đại học hay tham gia các sự kiện văn hóa nghệ thuật của TP. Hồ Chí Minh và khu vực. Đó cũng là cách mà những người trẻ Tày - Nùng mang nét văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình đến với bạn bè gần xa và làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở Thành phố mang tên Bác./.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.