Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Người “mẹ hiền” của trẻ vùng cao

Vũ Lợi - Hương Chi - 13:10, 20/03/2021

Với lòng yêu nghề, sự tận tâm và nỗ lực vượt khó để chăm sóc, nuôi dạy trẻ như mẹ hiền, suốt gần 10 năm công tác tại Trường Mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cô giáo Cà Thị Thoa đã chiếm trọn lòng tin yêu, quý mến của phụ huynh và học sinh nơi đây. Cô là một trong số gương mặt tiêu biểu của địa phương được tôn vinh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII, năm 2020.

Cô Cà Thị Thoa và học trò tại điểm trường trung tâm xã Tênh Phông.
Cô Cà Thị Thoa và học trò tại điểm trường trung tâm xã Tênh Phông.

Thắp sáng tình yêu nghề

Ngôi trường vùng cao nơi cô Thoa công tác thuộc xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Tuần Giáo, cách trung tâm huyện 25km đường đèo dốc. Trường nằm trên một sườn núi cao, quanh năm mây mù bao phủ; với 4 điểm bản, mỗi điểm cách xa trường trung tâm 6 - 16km và đường đi lại vô cùng khó khăn. Dân cư 100% là dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 74,2%, các điểm bản chưa có điện lưới quốc gia…

Gần 10 năm công tác, cô Thoa đã được Ban Giám hiệu Nhà trường phân công giảng dạy tại nhiều điểm trường khác nhau, trong đó, điểm trường Xá Tự xa nhất, cách trung tâm 16km. Do đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt… nên những năm đầu công tác, cô Thoa hầu như phải ăn, nghỉ tại điểm bản.

Trước những khó khăn, thiếu nhà công vụ, không có điện, thiếu nước sinh hoạt, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán khác lạ; phụ trách lớp ghép nhiều độ tuổi lại kiêm luôn nhiệm vụ nấu ăn, nuôi dưỡng trẻ… Song, với cô Thoa, tất cả những điều đó như thử thách để bản thân nỗ lực vượt qua, khẳng định tình yêu, sự tận tâm với nghề.

Quá trình công tác, cô Thoa ấn tượng với kỷ niệm phải đi bộ hơn 20km đường đèo suối vào vận động một gia đình người Mông sống biệt lập trong rừng sâu cho 2 cháu trong độ tuổi mầm non đến lớp. Trong quá trình vận động, cô Thoa và đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vì gia đình trẻ sống cách xa trường, không có điều kiện và phương tiện đưa các con đi học. Song với sự quyết tâm, cô và đồng nghiệp đã thuyết phục được gia đình và đưa các cháu ra lớp. Do hoàn cảnh gia đình không thể đưa đón các cháu hằng ngày, nên cô đã đề xuất với Nhà trường cho nhận chăm sóc 2 cháu, cho ở lại ăn, nghỉ cùng mình và các cô giáo tại khu tập thể… Từ sự quan tâm và chăm sóc của cô Thoa, đến nay, 2 cháu đã hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi và bước sang trường tiểu học.

Những mầm non đầy hứa hẹn…

Cô Thoa cho rằng, để làm tốt sứ mệnh cao cả của nghề, người giáo viên mầm non rất cần năng động, sáng tạo không ngừng, luôn có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời bồi dưỡng tình yêu nghề, mến trẻ với tấm lòng bao dung, nhân ái và sự tận tâm chăm sóc, nuôi dạy trẻ của người mẹ.

“Quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, tôi luôn dành thời gian trò chuyện, dạy các con còn hạn chế tiếng Việt nhận biết và phát âm những đồ dùng, đồ chơi quen thuộc trong lớp và gia đình trẻ. Tổ chức và chơi cùng trẻ các trò chơi vận động, trò chơi dân gian, tạo sự gần gũi và hứng thú; đặc biệt quan tâm, động viên những trẻ nhút nhát; thăm hỏi động viên những trẻ có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày lễ, Tết hoặc những lúc trẻ bị ốm đau”, cô Thoa chia sẻ.

Trong điều kiện người dân còn nhiều khó khăn, cô tích cực tham mưu với nhà trường đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho công tác tổ chức ăn bán trú cho trẻ. Cô vận động cha mẹ trẻ góp gạo, củi, cùng cô giáo trồng và chăm sóc vườn rau, huy động sự giúp đỡ của cộng đồng nhằm từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ; tham gia cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất các điểm trường; tạo môi trường cho trẻ hoạt động trải nghiệm…

“Trái ngọt” sau những tháng ngày gắn bó với sự nghiệp giáo dục của cô Thoa chính là những lứa “măng non” khỏe mạnh, tự tin, cha mẹ yên tâm và tin tưởng khi gửi con đến trường.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.