Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người nặng lòng với dân ca Sán Dìu

PV - 08:36, 02/05/2019

Hơn 40 năm dày công sưu tầm, truyền dạy những khúc hát dân ca của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn An (80 tuổi) ở thôn Bèo, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn được xem như là người khai sinh ra nhiều Câu lạc bộ (CLB) dân ca các DTTS ở Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn An truyền dạy làn điệu dân ca đến thế hệ trẻ. (Ảnh: Đ.Thọ) Ông Nguyễn Văn An truyền dạy làn điệu dân ca đến thế hệ trẻ. (Ảnh: Đ.Thọ)

Ông An cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu tại Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ II, năm 2014 và Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc năm 2017.

Nhớ lại kỳ Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ II, ông Nguyễn Văn An vẫn lâng lâng những cảm xúc vinh dự, tự hào. Ông chia sẻ: “Kỳ Đại hội đã để lại nhiều dấu ấn, kết quả rất đáng tự hào. So với thời điểm 5 năm trước, đời sống của bà con vùng DTTS tỉnh Bắc Giang đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, công tác bảo tồn văn hóa dân tộc được quan tâm hơn. Tại thời điểm diễn ra kỳ Đại hội lần thứ II năm 2014, tỉnh Bắc Giang chỉ có 24 CLB dân ca của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, đến nay đã tăng lên 31 CLB. Sự phát triển đó chính là một phần từ kết quả của Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ II”.

Kể về mối nhân duyên đến với con đường bảo tồn, lưu giữ làn điệu dân ca của dân tộc, ông Nguyễn Văn An chia sẻ: “Cũng chẳng biết lý do cụ thể nào thôi thúc tôi đến từng thôn, bản vận động bà con lưu giữ dân ca của dân tộc. Có lẽ, cũng là trách nhiệm, là tình yêu văn hóa của dân tộc mà tôi đã tự gắn cho mình”. Năm 2009, ông Nguyễn Văn An đã đứng ra thành lập CLB dân ca Sán Dìu xã Giáp Sơn. Đây cũng là CLB hát dân ca DTTS thành lập sớm đầu tiên của huyện Lục Ngạn. Nhờ có sự tâm huyết, nhiệt tình của ông, đến nay, CLB hát dân ca Sán Dìu của xã Giáp Sơn đã thu hút được hàng chục thành viên tham gia. Theo đó, ngoài việc sưu tầm, bổ sung hàng ngàn bài hát làm phong phú thêm làn điệu dân ca Sán Dìu, các thành viên CLB còn tích cực tổ chức hát giao lưu, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Hiện nay, CLB hát dân ca Sán Dìu xã Giáp Sơn đã tổ chức được 2 lớp truyền dạy lại các làn điệu dân ca.

Tâm huyết với việc giữ gìn, bảo tồn dân ca dân tộc Sán Dìu càng thôi thúc ông đi đến các vùng có đồng bào DTTS sinh sống để vận động, tổ chức khôi phục, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị của làn điệu dân ca quê hương. Ông tập hợp những người biết hát dân ca và tổ chức nhiều buổi biểu diễn, động viên mọi người góp sức, góp tiền theo phương châm xã hội hóa để bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Không chỉ yêu thích, say mê dân ca Sán Dìu, ông Nguyễn Văn An còn tích cực sưu tầm, lựa chọn, biên soạn các bài hát cổ thành sách để phục vụ công tác bảo tồn. Nhiều tác phẩm của ông dự thi đoạt giải cao tại các hội diễn văn nghệ cấp huyện, tỉnh. Với những cố gắng không mệt mỏi của mình, ông Nguyễn Văn An đã được trao tặng nhiều giấy khen và bằng khen về thành tích bảo tồn, phát triển nghệ thuật dân ca của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ Nhất năm 2017 do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn An vinh dự được tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.

Với kỳ Đại hội Đại biểu DTTS lần thứ III sắp diễn ra, ông Nguyễn Văn An mong rằng, sẽ tiếp tục để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội, công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm hơn nữa, có thêm nhiều CLB dân ca được ra đời... n

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.