Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người nặng lòng với văn hóa Jrai

PV - 14:58, 20/03/2019

Về Gia Lai hỏi tên nghệ nhân Rơ Châm H’Mút, hầu như ai cũng biết. Bởi ông không chỉ là người đánh cồng chiêng lão luyện, chỉnh chiêng rất giỏi mà còn chế tác được nhiều loại nhạc cụ dân tộc Jrai độc đáo. Mong ước của ông hiện nay là truyền dạy những giá trị văn hóa cồng chiêng cho các thế hệ con cháu…

Nghệ nhân Rơ Chăm H’Mút (người đánh trống) tham gia biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Nghệ nhân Rơ Chăm H’Mút (người đánh trống) tham gia biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Tình yêu với nhạc cụ truyền thống

Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút sinh ra và lớn lên tại làng MRông Yố 2 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Quá trình trưởng thành của ông luôn gắn với tiếng cồng chiêng. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết, cha ông là một nghệ nhân cồng chiêng có tiếng trong làng. Từ khi lên 5 tuổi, ông đã theo cha đi biểu diễn vào dịp lễ mừng lúa mới, đám cưới, đám ma, bỏ mả... Tối về, khi cha đem chiêng ra lau chùi, ông ngồi bên nghe cha kể ý nghĩa của từng loại chiêng. Lớn hơn ông được cha hướng dẫn cách chơi các chiêng, trống, đàn t'rưng rồi đam mê và yêu thích lúc nào không biết.

Rơ Châm H’Mút tâm sự: Âm nhạc nó như theo mình từ lúc còn nằm trên lưng mẹ. Mỗi lần, làng có việc gì, được mẹ cõng lên nhà Rông, chỉ cần nghe giai điệu của cồng chiêng vang lên là mình lại rạo rực cả người, nhảy nhót ngay trên lưng mẹ. Rồi niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc cứ lớn lên dần theo năm tháng.

Không chỉ am hiểu cồng chiêng, nghệ nhân Rơ Châm H’Mút còn biết chế tác nhiều loại nhạc cụ. Ông cho hay, việc chế tác nhạc cụ không chỉ xuất phát từ niềm đam mê mà còn từ khả năng lĩnh hội, lắng nghe từ những bậc cao niên và phải tự học là chính.

Cũng chính vì đam mê mà ông đã sưu tầm được nhiều bộ chiêng quý cho làng. Ông cũng tự mình chỉnh chiêng để đảm bảo nhạc cụ chiêng vang lên đúng điệu. Ông cũng phối hợp với chính quyền xã động viên dân làng duy trì đội cồng chiêng và múa xoang với 41 thành viên (người già nhất sinh năm 1957, người nhỏ nhất sinh năm 2006). Đội chiêng của xã đã từng được mời tham gia trình diễn ở nhiều sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài nước.

Nghệ nhân Rơ Chăm H’Mút biểu diễn đàn T’rưng do mình tự chế tác. Nghệ nhân Rơ Chăm H’Mút biểu diễn đàn T’rưng do mình tự chế tác.

“Truyền lửa” cho thế hệ mai sau

Ngoài chơi cồng chiêng, chế tác nhạc cụ truyền thống, Rơ Chăm H’Mút còn gánh trên vai trách nhiệm của người “truyền lửa”. Để bảo tồn, phát triển nghệ thuật cồng chiêng của người Jrai đến thế hệ trẻ, nghệ nhân còn tham gia giảng dạy cồng chiêng cho các học sinh Trường THCS Ia Ka, THCS Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) và các trường nội trú của các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Năm 2013, ông tham gia giảng dạy cho sinh viên của Học viện Âm nhạc Hà Nội trong vòng 10 ngày.

Ông chia sẻ: Nhìn các cháu nhỏ đeo trên mình bộ chiêng và say mê hòa vào điệu xoang, mình rất xúc động. Đó là nguồn động viên rất lớn để bản thân tiếp tục thực hiện ước mơ truyền dạy các giá trị văn hóa cồng chiêng lại cho thế hệ cháu con.

Hiện nay, có nhiều loại hình âm nhạc hiện đại, thu hút các em hơn, vì thế việc truyền dạy cũng khá khó khăn. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có nhiều em đam mê và chăm chỉ tập luyện nhạc cụ dân tộc, đó là niềm vui lớn nhất đối với tôi.

Trong không gian phòng khách nhà ông hiện có rất nhiều giấy khen, bằng khen và các loại nhạc cụ dân tộc của người Jrai được trưng bày trang trọng. Trong đó, có 5 loại đàn do ông tự chế tác như: Kơ Ní, T’Rưng; Krông Pút; Goong và Prô Tung.

Hiện tại, nghệ nhân Rơ Chăm H’Mút còn lưu giữ được 2 bộ cồng chiêng cổ rất quý. Giữa căn nhà, ông bày ra “tình yêu” của mình rồi cẩn thận lau chùi kỹ từng vết lõm trên mặt chiêng cho hết bụi bẩn. Ông bảo, mỗi cái chiêng đều có hồn vía riêng. Muốn điều khiển được nó, phải hiểu nó, phải coi nó như người bạn tri âm, tri kỷ của mình, như vậy khi đánh chiêng, hồn mình, hồn chiêng sẽ hòa vào nhau, đẩy lên những âm thanh da diết, vang vọng núi rừng.

“Ngày xưa, ở vùng này cồng chiêng nhiều lắm, hầu như nhà nào cũng có. Thế nhưng, bây giờ, cả làng chỉ còn lại vài bộ, người biết đánh cũng thưa dần, tôi cảm thấy trách nhiệm trên vai mình càng nặng nề hơn”, nghệ nhân Rơ Chăm H’Mút tâm sự.

THÀNH NHÂN