Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Người nâng tầm thương hiệu cà phê Xuân Dương

Lê Trọng Sáng - 16:07, 11/11/2021

Hơn 20 năm gắn bó với cây cà phê, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân ở thị trấn YaLy, huyện Chư Pah (Gia Lai) đã luôn trăn trở, tìm giải pháp để khẳng định và nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê sạch của vùng đất bazan.

Cà phê phơi trên giàn theo mô hình cà phê sạch của cơ sở cà phê Xuân Dương
Cà phê phơi trên giàn theo mô hình cà phê sạch của cơ sở cà phê Xuân Dương

Gian nan khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất gió Lào cát trắng, khi mới tròn 19 tuổi (năm 1993) chị Nguyễn Thị Thanh Xuân đã rời xứ Nghệ thân thương lên đường vào Yaly, Chư Pah lập nghiệp. Tại đây, chị xin vào làm công nhân trong Nhà máy thủy điện Yaly. Tuy nhiên, mức lương chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống gia đình chứ không làm giàu được.

Sau 5 năm gắn bó với Nhà máy, chị cùng chồng là anh Đinh Hữu Dương quyết tâm khởi nghiệp từ cây cà phê - đặc sản của phố núi Gia Lai. Bằng số vốn tích cóp được và vay mượn thêm, vợ chồng chị đã mua được 2 ha đất trồng cà phê. Do không có điều kiện kinh tế nên việc chăm sóc và thu hái cà phê hoàn toàn được anh chị sử dụng phương pháp thủ công như cắt cỏ, tỉa cành ủ làm phân… 

Nhiều năm trở lại đây, cà phê liên tục rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá” hoặc bị thương lái ép giá, người nông dân quần quật chăm bón nhưng cuối năm thu hoạch chỉ đủ vốn tái đầu tư, nhiều năm lỗ nặng. Nỗi lo không bán được cà phê luôn canh cánh trong lòng mỗi người nông dân. Chính những bất cập trên đã tạo động lực để chị Xuân mày mò và tạo cho mình một thương hiệu cà phê riêng trên đất mảnh đất Yaly.

Nỗ lực khẳng định thương hiệu

Năm 2016, vợ chồng Dương - Xuân quyết định thành lập cơ sở sản xuất chế biến cà phê Xuân Dương theo mô hình tiêu chuẩn cà phê sạch, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Với 5ha trồng cà phê của gia đình, anh chị bắt đầu canh tác theo phương pháp 4C. Việc chăm sóc đất, cải tạo đất, không lạm dụng hóa chất là yếu tố tiên quyết, bắt buộc. Kết hợp tuân thủ quy trình sử dụng phân bón vi sinh, NPK, bã cà phê lên men, tạo thiên địch và tính cộng sinh ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây đã mang lại kết quả tích cực cho người trồng như cây ít sâu bệnh, sản lượng ổn định, chất lượng cà phê vượt trội.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân bên vườn cà phê chuẩn bị thu hoạch
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân bên vườn cà phê chuẩn bị thu hoạch

Đến mùa thu hái, chị chỉ hái quả chín, không hái quả xanh. Trong vòng 24h phải đem sơ chế, loại bỏ quả khô, quả một nhân. Sau đó, cà phê được cho vào máy để tách lớp vỏ rồi đưa ra phơi trên lưới hoặc giàn phơi, đạt độ ẩm mới đưa vào kho bảo quản.

"Muốn sản phẩm đạt chất lượng cao, khâu chế biến cực kỳ quan trọng. Tôi sử dụng phương pháp chế biến “bán ướt”, yêu cầu bắt buộc là thu hái quả chín tươi với tỷ lệ từ 85% trở lên. Chính vì vậy, ly cà phê thành phẩm sẽ rất thơm và đậm đà hương vị tự nhiên”, chị Xuân chia sẻ.

Mỗi năm, vườn cà phê 5 ha của chị Xuân cho sản lượng 20- 25 tấn cà phê nhân sạch. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình xuất ra thị trường 7 tạ cà phê bột có giá 150.000 - 200.000 đồng/kg, giá cao hơn rất nhiều so với các loại cà phê có thương hiệu khác nhưng với vị đậm đà, hương thơm khác biệt nên khách hàng vẫn rất hài lòng và tin dùng. Do vậy, cà phê của anh chị không đủ để cung cấp ra thị trường.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, chị Xuân chia sẻ: “Em chỉ mong mở rộng diện tích trồng và mở rộng thêm nhà máy sản xuất cà phê cà phê theo tiêu chuẩn cà phê sạch, đạt chất lượng cao để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước Châu Âu. Nhưng quan trọng nhất vẫn giúp được nhiều bà con mình có việc làm và thêm thu nhập.”

Ông Rơ Chăm Vân, Chủ tịch UBND thị trấn Yaly nhận xét: “Không chỉ là người phụ nữ vừa có tâm, vừa có tầm, từ khi cơ sở sản xuất, chế biến cà phê Xuân Dương ra đời, chị Xuân đã tạo công ăn việc làm cho mấy chục lao động người DTTS ở địa phương với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, chị còn hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều chị em trong Chi hội Phụ nữ của thị trấn. Địa phương luôn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của thương hiệu cà phê Xuân Dương”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân bên sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân bên sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao

Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay thương hiệu cà phê Xuân Dương đã được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP, bản thân chị Xuân cũng vinh dự nhận danh hiệu “Nông dân tiêu biểu” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.