Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người nâng tầm thương hiệu gốm Bàu Trúc

PV - 15:46, 25/12/2018

Trong những lần về làng Bàu Trúc (thị trấn Phước, Ninh Phước, Ninh Thuận), chúng tôi thường nghe bà con làng gốm nhắc đến họa sĩ Sĩ Hoàng. Ông Đàng Xem, nghệ nhân làm gốm của làng Bàu Trúc cho biết, Sĩ Hoàng là người đã có công nâng tầm thương hiệu gốm Chăm Bàu Trúc. Những mẫu gốm mỹ nghệ trang trí được thị trường ưa chuộng hiện nay đều do Sĩ Hoàng thiết kế đã tạo cơ hội cho người dân vươn lên làm giàu từ nghề làm gốm truyền thống.

Bàu Trúc Họa sĩ Sĩ Hoàng thăm cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ làng Bàu Trúc.

Họa sĩ Sĩ Hoàng chia sẻ, anh gắn bó với làng gốm Bàu Trúc từ năm 1986-khi còn là sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Anh đến làng Bàu Trúc thực tập về kỹ thuật chế tác gốm Chăm và được bà Đàng Thị Vệ coi như người con thân thiết của gia đình. Bà Vệ đã giúp anh có điều kiện tìm hiểu nét độc đáo của gốm Bàu Trúc và đời sống của người dân làng nghề.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Sĩ Hoàng trở thành giảng viên của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 1997, anh về Bàu Trúc thăm người mẹ nuôi là nghệ nhân Đàng Thị Vệ. Anh nặng lòng trăn trở khi nhìn thấy sản phẩm gốm truyền thống như nồi đất, lu, khạp, ấm đất của mẹ Vệ chất đầy dưới giàn hoa giấy trước sân nhà do không cạnh tranh được với các mặt hàng cùng loại được sản xuất công nghiệp bằng chất liệu nhôm, nhựa. Thương mẹ Vệ tần tảo một nắng hai sương gắn bó với nghề gốm, họa sĩ Sĩ Hoàng nảy ra ý tưởng đưa hoa văn các dân tộc được kết bằng cườm trang trí trên gốm Bàu Trúc. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa nét mộc mạc của gốm Chăm với sự óng ả tinh tế của hoa văn kết cườm và phối màu tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Cuối năm 1998, họa sĩ Sĩ Hoàng tổ chức triển lãm cá nhân tranh thảm nghệ thuật và gốm Bàu Trúc trang trí mỹ thuật. Cuộc triển lãm được giới mỹ thuật và công chúng đánh giá cao về nét độc đáo của gốm Chăm Bàu Trúc.

Đầu năm 1998, họa sĩ Sĩ Hoàng thường xuyên đi xe lửa từ ga Sài Gòn đến ga Tháp Chàm vào mỗi sớm chủ nhật rồi đón xe thồ về nhà mẹ Vệ nghiên cứu, thiết kế mẫu gốm Chăm mỹ thuật. Nghệ nhân Đàng Thị Vệ và con cháu tộc họ đã biến ý tưởng của người họa sĩ trẻ tài hoa tại TP. Hồ Chí Minh, thành những sản phẩm gốm mỹ thuật đặc sắc lần đầu tiên được chế tác tại làng Bàu Trúc. Suốt 3 năm ròng rã đi về hàng tuần giữa Sài Gòn-Tháp Chàm, đến giữa năm 2002, họa sĩ Sĩ Hoàng tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề gốm Chăm Bàu Trúc gồm 800 sản phẩm với hơn 100 mẫu gốm mỹ thuật. Họa sĩ Sĩ Hoàng mời các nghệ nhân: Đàng Thị Vệ, Đàng Thị Ngọ, Lưu Thị Bứng đưa đất làng Bàu Trúc vào TP. Hồ Chí Minh biểu diễn chế tác gốm Chăm. Giới mỹ thuật và các nhà kinh doanh gốm mỹ nghệ lần đầu được chứng kiến nét độc đáo của gốm Bàu Trúc, chế tác bằng tay, không bàn xoay, mang tính độc bản cao. Các sản phẩm gốm Chăm mỹ thuật trưng bày tại triển lãm được những người yêu thích mua giá cao gấp hàng chục lần, thậm chí cao gấp hàng trăm lần so với gốm gia dụng.

Từ những hướng dẫn ban đầu của họa sĩ Sĩ Hoàng, các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc đã cần mẫn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ với kiểu dáng, họa tiết đặc sắc với khoảng 300 chủng loại như lọ hoa, bình nước, đèn trang trí, hình tượng văn hóa Chăm có tính nghệ thuật cao được sử dụng trong trang trí gia đình, khách sạn, nhà hàng cao cấp. Sản phẩm gốm mỹ nghệ thương hiệu Bàu Trúc đã có mặt rộng thị trường trong nước và có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada,Pháp, Australia, Nhật Bản, Malaysia... Trong khuôn viên Bảo tàng áo dài Việt Nam do họa sĩ Sĩ Hoàng sáng lập tại TP. Hồ Chí Minh, anh dành căn phòng có diện tích 40m2 trưng bày 209 hiện vật gốm Chăm Bàu Trúc phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước.

Họa sĩ-Nhà thiết áo dài tài hoa Sĩ Hoàng chia sẻ niềm vui: “Tôi rất vui khi biết nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Nay đang tiếp tục xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới”.

SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.