Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người nghệ nhân tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc Mường

PV - 14:32, 04/06/2019

Từng là một nhà giáo, bà Đinh Thị Hiền (dân tộc Mường ở thôn Lặt, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) có một tình yêu đặc biệt với văn hóa dân tộc Mường, nhất là việc giữ gìn tiếng nói dân tộc, sáng tác và tự dàn dựng lời cho cồng chiêng bằng chính tiếng Mường.

Bà Đinh Thị Hiền (người cầm micro) cùng CLB Hội Người cao tuổi xã Minh Quang tập luyện văn nghệ.

Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy tiếng nói dân tộc, hằng ngày bà Hiền thường xuyên dùng tiếng Mường giao tiếp với làng xóm, bạn bè. Bà dạy cho con cháu mình học nói tiếng Mường từ khi mới bắt đầu tập nói. Những bữa cơm trong gia đình, mọi người đều sử dụng tiếng dân tộc để trò chuyện.

Ngay sau khi nghỉ hưu năm 2009, bà Hiền bắt đầu dành thời gian và tâm huyết cho việc sáng tác và dàn dựng lời cho chiêng và thơ bằng tiếng Mường, sau đó dịch ra bằng tiếng phổ thông. Sau 10 năm, bà đã có một “tài sản” là 20 bài hát cho chiêng và trên 100 bài thơ với nội dung và đề tài phong phú, đa dạng được xuất bản thành nhiều tập sách.

Hầu hết những lời hát, bài thơ được bà sáng tác có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc với những ca từ, lời thơ gần gũi, dễ nghe, dễ thuộc. Được người dân tại địa phương thường xuyên sử dụng để luyện tập, giao lưu trong các CLB nhằm phục vụ cho các phong trào, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng tại địa phương.

Những tác phẩm lời dành cho chiêng của bà Hiền có thể kể đến như: “Tiếng chiêng khai hội Tản Viên sơn thánh”; “Hát mừng giao lưu cựu giáo chức”; “Tiếng chiêng làng Lặt”;… tác phẩm thơ như: “Ca ngợi quê hương Minh Quang”; “Em là cô giáo Minh Quang”; “Mái trường tôi yêu”;…

Ngoài việc sáng tác và vận động mọi người sử dụng tiếng Mường trong giao tiếp, bà Hiền còn dạy hát lời gọi chiêng bằng tiếng Mường. Đến nay, đã có ít nhất 3 người hát thành thạo lời chiêng bằng tiếng Mường.

Bên cạnh đó, bà còn tích cực vận động các thành viên trong CLB có riêng cho mình bộ trang phục dân tộc Mường và mặc thường xuyên trong các buổi tập luyện, tham gia hội thi, lễ hội với mục đích dần khơi lại tình yêu văn hóa dân tộc cho đồng bào.

Trong các hội thi “Nói tiếng dân tộc Mường” do xã tổ chức, hoạt động nằm trong khuôn khổ của việc thực hiện Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa DTTS giai đoạn 2015-2020” của UBND huyện Ba Vì, bà Hiền luôn được mời làm Ban Giám khảo cho các hội thi.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang, chia sẻ: Bà Đinh Thị Hiền là một người có nhiều đóng góp lớn cho hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường tại địa phương. Bà Hiền luôn tâm huyết, nhiệt tình tham các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.