Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Người Phó trưởng bản được bà con tin yêu

Hồng Vân- Nguyễn Hoa - 15:34, 05/04/2019

Một ngày đầu tháng Ba, nắng vàng như mật, tiết trời ấm áp báo hiệu cho mùa gieo hạt được bắt đầu. Đây là thời điểm người Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên bận rộn với công việc nương, ruộng. Ông Dương Văn Sình, Phó trưởng bản, đồng thời là Người có uy tín của bản cho biết, vì Trung Sơn đất ít, nên bà con phải đến các triền núi xa nhà, thuê lại đất của người địa phương để làm kinh tế.

Bà con dân tộc Mông ở bản Trung Sơn, xã Quang Sơn đang làm đất để tra hạt vụ Xuân năm 2019. Bà con dân tộc Mông ở bản Trung Sơn, xã Quang Sơn đang làm đất để tra hạt vụ Xuân năm 2019.

Ông Sình bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cách kể chuyện nhà, chuyện bản. Ông chia sẻ: Hồi ấy, tôi lấy vợ năm 16 tuổi, rồi lần lượt 4 đứa con chào đời. Nhà 6 miệng ăn chỉ trông vào hơn 2.000m2 đất, tôi bảo vợ: “Trời sinh voi nhưng không sinh cỏ”, mình phải tìm cái ăn, cái mặc cho cả nhà bằng cách đến các lũng núi xem ai bỏ đất hoang thì thuê, mượn lại làm rẫy, làm ruộng. Rồi cứ chiếc áo tà pủ, cúc vải đóng khuy ngang, ông đi khắp núi đất, núi đá của Đồng Hỷ, Võ Nhai tìm bãi dọn nương tra hạt. Không chỉ tìm đất sản xuất cho gia đình mình, nhiều hộ ở Trung Sơn được ông tìm giúp đất phát triển sản xuất, nhờ đó trong nhà có lương thực đủ dùng. Ông sống hồn nhiên như cây rừng, dễ làm người cảm mến. Chính vì thế mà nhiều người dân ở Trung Sơn bảo ông là người con của mẹ núi.

“Năm 2013, tôi trồng 16kg ngô giống, thu hoạch được hơn 10 tấn ngô hạt. Ấm no đã nhìn thấy, bà con trong xóm đến chia vui, ăn thử bát mèn mén được làm từ hạt ngô trồng trên đất đi thuê mượn. Không chỉ đủ ngô ăn, nhà tôi còn có lương thực giúp đỡ các hộ khó khăn hơn mình ngày giáp hạt,” ông nhớ lại.

Chuyện ông Sình đi thuê đất trồng ngô trúng vụ lớn được lan truyền khắp Trung Sơn và các vùng lân cận. Nhất là trong cộng đồng người Mông ở huyện Đồng Hỷ và huyện Võ Nhai. Có người bảo: Nhà Sình nhờ mượn được đất mà có ngô chất đầy trong nhà. “Nó” làm mọi người thay đổi được cái nghĩ tự ti trong đầu. Có người lại nói: Phải đi tìm đất tra hạt như nhà Sình. Vì có đất trồng ngô mới xóa được cái lười, xóa được say rượu, bụng hết sôi vì đói. Cũng từ vụ đó, ở Trung Sơn, nhiều hộ theo nhau đi núi tìm đất thuê mượn lại để tra hạt. Nhà ông Dương Văn Sì là một điển hình. Ông Sì bảo: Nhà tôi có 9 khẩu, đất sản xuất thiếu, năm nào cũng thiếu lương thực từ 3 đến 6 tháng. Nhưng đó là chuyện của hơn 5 năm về trước, vì tôi theo ông Sình lên núi trồng ngô, xuống khe cấy lúa nên nhà hết nghèo.

Nói chuyện ông Sình, nhiều người Mông ở Trung Sơn tự hào: Ông Sình năng động, chân chịu đi. Ông biết hầu hết các ngọn núi cao trong vùng, và biết núi nào còn đất bỏ hoang để bảo người đến thuê mượn tra hạt. Có người bảo: Khi làm rẫy, làm ruộng, ông Sình có sức mạnh của con hổ trong núi. Nhưng ứng xử với mọi người chưa thấy ông giận dữ, mà lành như bát nước múc lên từ giếng. Ông làm được, nói được nên lời có trọng lượng. Mà đồng bào đã tin, thì tin hết mình.

Chính vì thế ở địa phương, ông nhiều lần giúp chính quyền xã “hạ hỏa” các điểm nóng. Chuyện là ít năm trước, một số hộ dân Trung Sơn bị người xấu kích động, không tham gia đi bầu cử HĐND các cấp. Việc xảy ra ngoài dự kiến, mọi người trong Hội đồng bầu cử lo lắng, nghĩ ngay đến ông Sình… Ông Sình tự tin, đến từng nhà, nói chuyện bằng tiếng Mông về các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho đồng bào, như cấp đất ở, đất sản xuất, làm nhà cho hộ nghèo, rồi cấp tiền mua muối, mua dầu và nhiều chính sách ưu đãi khác. Ông Sình chia sẻ: Lúc đó, tôi không nói với đồng bào về âm mưu phá hoại thâm độc của kẻ thù, mà chỉ nói mình đang ăn cơm của Đảng, của Chính phủ Việt Nam.

Việc đi bầu cử không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi công dân. Rất mừng là ngay sau đó, 17 hộ còn lại ở Trung Sơn đã theo nhau đi bầu cử.

Ông Sình dừng lời như để lục tìm ký ức: Giây lát, ông kể: Mới cách đây ít năm, một số hộ người Mông Trung Sơn bị nhóm người xấu đến tuyên truyền, vận động theo đạo trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Trước sự việc này lãnh đạo địa phương đã gọi tôi đến bàn bạc. Bản thân tôi cũng từng được bà con chia sẻ về đạo này, nên hiểu. Và do hiểu rõ được bản chất của đạo, nên lời tôi nói trúng được cái nghĩ của đồng bào. Mọi việc trở nên đơn giản, bà con yên tâm lao động sản xuất, tình hình an ninh trật tự được ổn định trở lại.

Người Mông là thế. Chân tình, mộc mạc, nói gì cũng phải đúng lý, đúng tình, không thiên vị. Người đứng vai trọng tài không nói suông, phải mẫu mực trong lối sống, ông Sình là một người như vậy. Ông đã tạo dựng được uy tín của mình trong cộng đồng dân cư bằng cách coi trọng bà con và biết chia sẻ với những người xung quanh lúc khó khăn, hoạn nạn. Ông Sình tâm đắc: Vào “điểm nóng”, tôi không lấy tư cách Phó trưởng xóm, mà chỉ nói mình là hàng xóm, là anh em, là bạn. Khi trò chuyện, tôi luôn tôn trọng mọi người và biết lắng nghe. Khi bà con nói xong, mình mới phân tích đâu là đường sáng, đường tối. Còn việc hòa giải trong xóm, toàn chuyện anh em tranh chấp đất đai, vợ chồng hơn thua nhau câu nói. Tôi đến, từ từ phân tích cái sai của từng người, nói nhẹ nhàng để cả 2 bên cùng nhận ra bản thân mình làm như thế là không nên. Xuôi tai, 2 bên tự xin lỗi, tôi cầm tay 2 bên đặt vào nhau. Mọi mâu thuẫn được xí xóa.

Ông Sình sống chân thành với bà con, nên bà con cũng đáp lại ông bằng sự chân thành. Ông nhớ lại: Năm 2015, làm đường nông thôn mới, khó khăn nhất là việc vận động đồng bào hiến đất mở rộng mặt đường. Nhiều gia đình không ủng hộ, nói lý: Người Mông sinh ra ở núi, quen đi đường mòn, không cần đường bê tông. Để đồng bào đồng thuận mở rộng đường, tôi đến từng nhà vận động, có trường hợp đi đến lần thứ 3, cùng tranh luận với nhau bằng cái lý người Mông, về sự phát triển chung của xã hội. Nghe ra, ai nấy cười xòa, bắt tay nhau, vui vẻ tham gia hiến đất. Cả xóm đã hiến được hơn 3.000m2 đất, có hộ hiến 320m2 đất. Có đường bê tông, ông tiếp tục vận động đồng bào hiến đất làm nhà văn hoá xóm…

Việc nương, ruộng bận tối ngày, nhưng ông Sình luôn quan tâm hướng dẫn bà con áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất. Ông luôn nói với mọi người: Đất sản xuất không nhiều, nếu tra hạt giống cũ, năng suất thấp sẽ phải chịu thiếu lương thực dài dài. Còn đất đó tra hạt giống mới, năng suất cao, đồng nghĩa mình đuổi cái đói nghèo ra khỏi nhà. Bằng cách làm này, nhiều người Mông ở Trung Sơn biết cấy lúa, trồng ngô giống mới. Số hộ nghèo ở Trung sơn giảm nhanh, từ 32 hộ năm 2016, nay xuống còn 14 hộ… Người dân bản Trung Sơn ai cũng tin tưởng, kính trọng và nghe lời ông cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương.

Để đồng bào đồng thuận mở rộng đường, tôi đến từng nhà vận động, có trường hợp đi đến lần thứ 3, cùng tranh luận với nhau bằng cái lý người Mông, về sự phát triển chung của xã hội. Nghe ra, ai nấy cười xòa, bắt tay nhau, vui vẻ tham gia hiến đất. Cả xóm đã hiến được hơn 3.000m2 đất, có hộ hiến 320m2 đất. Có đường bê tông, ông tiếp tục vận động đồng bào hiến đất làm nhà văn hoá xóm…” (Ông Dương Văn Sình, Phó trưởng xóm)


Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.