Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Người phụ nữ dân tộc Sán Dìu thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi dê

Hà Anh - 16:05, 15/09/2023

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo xóm Cầu Đá, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, chị Trương Thị Tư (sinh năm 1982), dân tộc Sán Dìu đã chứng kiến những vất vả, khó khăn mưu sinh của bà con dân tộc, miền núi. Chính vì thế, từ lâu chị đã ấp ủ khát khao vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của chị Trương Thị Tư tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của chị Trương Thị Tư tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên

Tân Lợi là xã miển núi, nằm cách trung tâm huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên 20km, gồm 6 dân tộc chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 70%. Chính vì vậy, kinh tế của bà con phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp.

Ngay như gia đình chị Tư trước đây, kinh tế chỉ dựa vào 2 vụ lúa xen canh 1 vụ rau màu, nên đủ ăn đã là may chứ chưa dám nghĩ đến có “của ăn của để”. Vì thế, chị luôn mang trong mình khao khát đổi đời, vượt lên cái khó.

Sau nhiều năm tìm tòi, trăn trở nghĩ cách phát triển kinh tế gia đình, năm 2018, qua tìm hiểu trên sách báo và tham gia một số lớp tập huấn, gia đình chị Tư quyết định đầu tư triển khai mô hình nuôi dê theo hướng chăn nuôi khép kín và sản xuất các sản phẩm từ thịt dê.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và người thân, gia đình chị vay mượn được số vốn ban đầu gần 600 triệu đồng. Chị Tư mạnh dạn đầu tư 1 chuồng nuôi dê với số lượng 100 con.

Thời gian đầu, do chưa biết cách chăm sóc dê nên gia đình còn bỡ ngỡ. Sau quen dần, chị Tư nhận thấy việc chăm sóc đàn dê tương đối đơn giản, lại tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn như cỏ, lá cây rừng...

Để có thêm nguồn thức ăn cho dê, gia đình chị trồng 2 mẫu cỏ voi. Vườn cỏ voi rộng, dê ăn không hết, vợ chồng chị bàn bạc và quyết định nuôi thêm dê giống.

Nhờ tính chịu thương, chịu khó, chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, từ 100 con dê ban đầu, gia đình chị Tư đã phát triển tổng đàn lên tới 700-800 con vào thời điểm cao nhất. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi 500-600 triệu đồng. Gia đình chị trở thành một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi trong vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xóm Cầu Đá, xã Tân Lợi.

Từ năm 2022 trở lại đây, do suy thoái kinh tế khiến cho sức tiêu thụ không cao nên gia đình chị nuôi duy trì khoảng 200 con dê.

Thời điểm cao nhất, gia đình chị Tư đã phát triển tổng đàn dê lên tới 700-800 con
Thời điểm cao nhất, gia đình chị Tư đã phát triển tổng đàn dê lên tới 700-800 con

Chị Tư chia sẻ: Nuôi dê khá tiện lợi, ít công chăm sóc, nhất là ở thời điểm hiện nay, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, mô hình nuôi dê nhốt chuồng cho thấy hiệu quả vượt trội. Bởi nguồn thức ăn chủ yếu của dê là cây cỏ, cám chỉ là đồ ăn dặm thêm.

Ngoài ra, theo chị Tư, mô hình nuôi dê khá thích hợp tại địa phương, bởi không tốn diện tích, không cần nhiều công làm, phù hợp với những người lớn tuổi. Với giá bán luôn ổn định ở mức 120-140 nghìn đồng/kg, bình quân 1 con dê xuất chuồng, nông dân thu lợi nhuận trên 1 triệu đồng, cao gấp đôi so với nuôi lợn.

Khi đã thành công, chị Tư còn nhiệt tình truyền dạy kinh nghiệm nuôi dê cho bà con trong thôn, bản. Theo chia sẻ của chị: Để dê sinh trưởng và phát triển tốt, khâu quan trọng nhất là cần lựa chọn con giống chất lượng tốt. Bên cạnh đó, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, chuồng đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, tránh nắng nóng, gió lùa và đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho vật nuôi.

Thực tế những năm qua, tại xã Tân Lợi, từ mô hình của chị Tư đã góp phần lan toả tinh thần thoát nghèo cho bà con DTTS, rất nhiều mô hình chuyển đổi chăn nuôi đã ra đời. Nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế ở xã Tân Lợi, nên tổng đàn dê của địa phương ngày càng được mở rộng.

Bà Bùi Thị Tĩnh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Tân Lợi chia sẻ: Trong khi người chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do đầu ra bấp bênh và thiếu ổn định, giá bán ở nhiều thời điểm giảm sâu thì dê vẫn giữ giá, đầu ra thuận lợi.

“Từ mô hình chăn nuôi dê giống và các sản phẩm từ thịt dê của gia đình chị Trương Thị Tư, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng đồng bào DTTS để chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, cũng như tiếp tục tăng đàn, xây dựng các hợp tác xã chăn nuôi dê, chú trọng sơ chế thịt dê để phục vụ người tiêu dùng, cũng như nâng giá trị sản phẩm...”, bà Bùi Thị Tĩnh cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.