Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khuyến nông với đồng bào DTTS

“Khuyến nông phiên chợ” - cách làm hay ở Lạng Sơn

Bảo Nam - 07:41, 27/10/2023

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn thường xuyên tổ chức chương trình truyền thông “Khuyến nông phiên chợ” tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Hoạt động này giúp người nông dân nâng cao nhận thức, tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm để áp dụng trong sản xuất. Đây là mô hình mới, mang lại hiệu quả hữu ích đối với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tại điểm chợ phiên Pắc Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tại điểm chợ phiên Pắc Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia

Tại phiên chợ Pắc Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, ngay từ sáng sớm, bà con trong xã đã tấp nập đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Ngoài hoạt động mua bán thông thường, bà con còn được tham gia phiên chợ khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn tổ chức. Tại đây, Ban Tổ chức đã bố trí sẵn các bàn có khuyến nông viên tư vấn theo từng lĩnh vực sản xuất để hỗ trợ, giải đáp những khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp của bà con.

Ông Lâm Văn Khèn, thôn Khuổi Hắp, xã Thiện Thuật chia sẻ: Gia đình tôi trồng hơn 5 sào thạch và chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản. Biết tin hôm nay ở chợ phiên có hoạt động khuyến nông, tôi đã chủ động đến bàn của tư vấn viên để hỏi thêm về một số loại bệnh mà cây thạch hay gặp và cách chăm sóc bò hiệu quả nhất. Nhờ được tư vấn tận tình hướng dẫn nên tôi đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào mô hình của gia đình.

Không riêng tại xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, hoạt động “Khuyến nông phiên chợ” đã được tổ chức tại nhiều địa phương trong tỉnh Lạng Sơn. Theo ông Hứa Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Tràng Định: Phiên chợ khuyến nông được tổ chức tại xã đã giúp bà con tiếp cận với thông tin, kiến thức mới, áp dụng vào thực tế sản xuất.

“Nếu như các lớp tập huấn thông thường có số lượng người tham gia bị bó hẹp và thông tin truyền tải cũng hạn chế, chỉ gói gọn trong một vài nội dung thì hoạt động khuyến nông gắn với phiên chợ lại không hạn chế số lượng người tham gia cũng như các nội dung tư vấn, giải đáp. Qua khảo sát, bà con trong xã đều mong muốn được các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức hoạt động này”, ông Tường chia sẻ.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tại điểm chợ phiên Pắc Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tại điểm chợ phiên Pắc Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia.

Lạng Sơn thuộc vùng miền núi với đặc thù địa hình chia cắt mạnh, dân cư sinh sống không tập trung, điều kiện tiếp cận thông tin, nhất là thông tin về tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp còn nhiều hạn chế tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Đáng chú ý, chợ nông thôn ở Lạng Sơn thường họp phiên cách nhau 5 ngày. Vào dịp chợ phiên, bà con nông dân ở các thôn, bản đi mua sắm các nhu yếu phẩm, trao đổi, giao thương hàng hóa nông sản, mua sắm các loại vật tư nông nghiệp...

Do đó, từ năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai loại hình truyền thông mới là chương trình truyền thông “Khuyến nông phiên chợ” (hoạt động khuyến nông gắn với chợ phiên nông thôn). Đến nay, đơn vị đã tổ chức 17 chương trình “Khuyến nông phiên chợ” với trên 5.300 lượt nông dân tham gia; cấp phát 4.000 tờ rơi, tài liệu kỹ thuật nông nghiệp các loại, tư vấn kỹ thuật nông, lâm, nghiệp trực tiếp cho hơn 2.500 lượt người…

Đặc biệt, nếu như trước đây, phiên chợ chỉ đơn thuần truyền đạt lý thuyết một chiều; trình chiếu phóng sự về tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của tỉnh; công tác quản lý dịch bệnh trong lĩnh vực chăn nuôi… thì nay, đơn vị tổ chức đã đổi mới, nội dung. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, người dân có thể mang mẫu bệnh phẩm của cây trồng, vật nuôi đến để các cán bộ tư vấn, giải đáp. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức thêm nhiều hoạt động thiết thực khác như trình diễn trực tiếp quy trình các bước thực hiện ủ phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp. Sự đổi mới này đã thu hút đông đảo bà con tham gia.

Thông qua phiên chợ khuyến nông, nhiều hộ dân tham gia đã nắm được kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Qua các phiên chợ, cán bộ khuyến nông cũng hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con để xây dựng các chương trình, hoạt động sát với thực tiễn và yêu cầu sản xuất hiện nay.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tại điểm chợ phiên Pắc Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tại điểm chợ phiên Pắc Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia.

Ông Nguyễn Duy Hà, Trưởng Phòng Thông tin tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn cho biết: Phiên chợ Khuyến nông đã tạo được không gian mở cho nông dân và không giới hạn về số lượng người tham gia. Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm, Trung tâm Khuyến nông sẽ tổ chức 4 phiên chợ khuyến nông tại các huyện trong tỉnh để giúp bà con tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới. 

Từ hiệu quả thiết thực của phiên chợ khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn tổ chức, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện: Văn Quan, Bắc Sơn, Tràng Định… cũng đã chủ động tổ chức các phiên chợ khuyến nông để tư vấn, hướng dẫn bà con khắc phục những khó khăn trong quá trình sản xuất.

Để chương trình phiên chợ khuyến nông ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn của các huyện, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia phiên chợ; lựa chọn, phân công cán bộ khuyến nông thuộc các lĩnh vực chuyên ngành có kiến thức, kinh nghiệm đến cơ sở… Từ đó, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến với bà con, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.


Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao

Gia Lai: Hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao

Trong 2 ngày 24 và 26/4, Công ty TNHH ThaiBinh Seed - Miền Trung - Tây Nguyên (Tập đoàn ThaiBinh Seed) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97, TBR87 tại xã Ia Sao (huyện Ia Grai) và xã Ia Pết (huyện Đak Đoa).