Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Người phụ nữ Sán Chỉ góp sức giữ gìn làn điệu soóng cọ

Mỹ Dung - 05:15, 04/12/2023

Đến với thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), người dân trong thôn ai cũng biết đến chị Lục Thị Cọm (1982) - một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu soóng cọ của người Sán Chỉ nơi đây. Làn điệu soóng cọ từng có thời gian trầm lắng nhưng nhờ công sức, tâm huyết của những người Sán Chỉ như chị, nghệ thuật truyền thống này đã được vực dậy và dần phát triển như ngày nay.

Chị Lục Thị Cọm (thứ tư từ trái sang) hát làn điệu soóng cọ cùng thanh niên trong làng
Chị Lục Thị Cọm (thứ tư từ trái sang) hát làn điệu soóng cọ cùng thanh niên trong làng

Tình yêu với làn điệu soóng cọ của cô gái Sán Chỉ

Người Sán Chỉ (dân tộc Sán Dìu),  sống tập trung đông nhất ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Sán Chỉ có nhiều nét văn hóa đặc sắc riêng biệt. “Soóng cọ” là làn điệu dân ca độc đáo được lưu giữ nằm trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian của huyện Bình Liêu. Ấn tượng là, dù không có bất cứ nhạc cụ nào đi kèm khi thể hiện, điệu soóng cọ của người Sán Chỉ vẫn lôi cuốn người nghe bằng lời ca nhịp nhàng, âm điệu ngân dài thi vị.

Theo tiếng Sán Chỉ, soóng cọ nghĩa là xướng ca. Đây là thể loại hát đối đáp giữa nam nữ được lưu truyền từ nhiều thế hệ của người Sán Chỉ. Vào những ngày đầu xuân năm mới, dịp lễ tết, đám cưới, hoặc những đêm trăng sáng, nhiều đôi nam thanh nữ tú cũng trao những câu hát giao duyên nhuần nhị.

Chị Lục Thị Cọm, thôn Nà Ếch cũng từ niềm đam mê, tình yêu mà dần gắn bó với tiếng hát ấy cũng như con người nơi đây. Hào hứng khi nhắc về điệu hát soóng cọ, chị cho biết, hát soóng cọ không cần dùng nhạc cụ để đệm theo, song không vì thế mà nó kém đi sức hấp dẫn. Bởi tinh túy của hát soóng cọ, chính là chất giọng ngân dài, mềm mại. Tục hát soóng cọ diễn ra quanh năm, với nhiều cách thể hiện như hát chúc tết, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, tâm tình, giao duyên. Đặc biệt với bà con, qua làn điệu soóng cọ, mọi người còn truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất.

Những dịp hát soóng cọ, là những ngày vui vẻ, mọi người cùng nhau đi đến từng bản, lên đỉnh núi cao, để tiếng hát vang xa hơn, xua tan đi mọi mệt nhọc, ưu phiền của cuộc sống. Bởi vậy, hát soóng cọ đã trở thành món ăn tinh thần quý giá, là niềm vui, niềm tự hào, là “sợi dây” để gắn kết cộng đồng của người Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu.

“Nói thật lúc đầu vì thấy hay nên tôi cũng chỉ tò mò lắng nghe, rồi học nhẩm hát theo. Và cứ thế, lâu dần tôi thuộc nhiều bài hơn và mê mẩn nó lúc nào không hay. Chỗ nào không hiểu, không nhớ chị hỏi bà, mẹ, các anh, chị trong thôn. Cũng rất may mắn là hỏi các bà các chị cũng rất nhiệt tình dạy, giải đáp cho tận tình lắm”, chị Cọm chia sẻ thêm.

Để làn điệu soóng cọ ngày càng trở nên gần gũi

Thôn Nà Ếch có 164 hộ, với trên 700 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Sán Chỉ. Tục hát Soóng Cọ từng gắn bó là thế, nhưng ngay tại thôn càng ngày càng có hiện tượng bị mai một theo thời gian. Đặc biệt, thế hệ trẻ dần không còn mặn mà với làn điệu ấy. Với vốn bài hát soóng cọ học được, chị Cọm tích cực tham gia phong trào văn nghệ của thôn, xã và huyện. Dần dần, làng trên, xóm dưới đều biết chị Cọm nhiệt tình, hát hay.

Cùng với sưu tầm những làn điệu soóng cọ cổ để giữ “hồn” cho dân tộc Sán Chỉ, chị Cọm còn sáng tác, đặt lời mới hàng chục ca khúc để phù hợp với nhịp sống hiện đại, văn minh hôm nay với các chủ đề về ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, về tình yêu quê hương, đất nước, gửi gắm niềm tin, tự hào về sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới... Qua đó, góp phần đưa làn điệu soóng cọ ngày càng trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận hơn với thế hệ trẻ.

Không ngớt lời khen dành cho chị Cọm, chị Lục Thị Lài, một người dân thôn Nà Ếch chia sẻ: “Chị Lài hát hay và truyền cảm. Nghe mê lắm! Không những vậy chị còn rất nhiệt tình, hay tham gia truyền dạy cho các chị em, thanh niên trong thôn và trong xã. Nhờ thế mà giờ nhiều người biết hát và cũng hát đúng, hát hay lắm”.

Chị Cọm (ở giữa) thường xuyên truyền dạy hát soóng cọ cho chị em trong thôn và xã
Chị Cọm (ở giữa) thường xuyên truyền dạy hát soóng cọ cho chị em phụ nữ ở địa phương

Không chỉ phục vụ bà con tại các dịp, ngày hội, lễ hội của huyện, chị Cọm còn góp mặt trong nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các địa phương ở cả trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, chị tích cực tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hát soóng cọ của thôn và xã, các lớp truyền dạy và thực hành hát soóng cọ cho học sinh ở các trường học của xã nhằm vun đắp tình yêu, đam mê với văn hóa quê hương cho các em nhỏ.

“Được nhìn các em học sinh hào hứng, say sưa tập luyện trong những giờ học hát tôi thật sự rất phấn khởi. Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người dân nơi đây đang rất tự hào khi mới đây, hát soóng cọ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn trong việc gìn giữ, truyền dạy hát soóng cọ cho thế hệ trẻ và tiếp tục lan tỏa, giới thiệu làn điệu dân ca quê hương đến với bạn bè gần xa, góp phần phát triển du lịch địa phương”, chị Cọm trải lòng.

Học sinh Trường THCS Húc Động (huyện Bình Liêu) tham gia lớp truyền dạy và thực hành hát soóng cọ
Học sinh Trường THCS Húc Động tham gia lớp truyền dạy và thực hành hát soóng cọ

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò cho biết: Hát Soóng Cọ là di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của tộc người Sán Chỉ ở Bình Liêu, có một sức sống mãnh liệt qua thời gian. Với nội dung phong phú, ca ngợi quê hương, đất nước, khát vọng về tình yêu đôi lứa, hăng say lao động, sản xuất, hát Soóng Cọ thật sự là món ăn tinh thần của người dân, thể hiện ước mơ, lý tưởng vươn tới cuộc sống no ấm và hạnh phúc.

"Hy vọng rằng, tình yêu và mong ước giản dị từ những người như chị Cọm, những điệu hát truyền thống của dân tộc Sán Chỉ sẽ mãi được lưu giữ và phát huy, tô thắm thêm vẻ đẹp văn hóa, con người huyện vùng cao Bình Liêu", Phó Chủ tịch huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.