Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người say mê với sự nghiệp bảo tồn chữ Nôm Dao

PV - 15:26, 15/06/2018

Là Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa, nhiều năm qua ông Trần Văn Thịnh là người luôn tâm huyết, gắn bó với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển chữ Nôm Dao.

Chúng tôi gặp ông Thịnh giữa trưa hè oi nóng, bên đống tài liệu ngổn ngang, ông chia sẻ: để Bộ chữ Nôm Dao (với 1.140 chữ) được đưa vào giảng dạy trong cộng đồng người Dao ở Thanh Hóa, ông phải mất hơn 4 năm sưu tầm và xây dựng. Tháng 3/2015, Bộ chữ chính thức được UBND tỉnh phê chuẩn, đây cũng là bộ chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước được phê chuẩn.

Ông Trần Văn Thịnh đang chia sẻ về bộ chữ Nôm Dao với phóng viên. Ông Trần Văn Thịnh đang chia sẻ về bộ chữ Nôm Dao với phóng viên.

 

Theo đó, công tác dạy, học chữ Nôm Dao trên địa bàn đã phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay, ông đã mở được trên 10 lớp cho hơn 400 học viên theo học. Tâm nguyện của ông Thịnh, thông qua việc học chữ Nôm Dao, không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết, mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Tuy nhiên, trên địa bàn hiện nay, mới có hai địa phương Ngọc Lặc và Cẩm Thủy mở thành công các lớp học chữ Nôm Dao. Còn cộng đồng người Dao ở huyện vùng cao Mường Lát vẫn chưa được thụ hưởng chương trình này. Vì vậy, hiện nay, chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện hồ sơ xin mở lớp trong năm 2018 để truyền dạy cho bà con, ông Thịnh cho biết thêm.

Để Bộ chữ Nôm Dao được truyền dạy cho người Dao ở Thanh Hóa, những người xây dựng như ông Thịnh đã gặp rất nhiều khó khăn. Ông Thịnh cho biết, khó khăn đầu tiên là người biết chữ Nôm Dao còn lại rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về chữ Nôm Dao đang còn chưa đúng, họ cho rằng đây là chữ của Tàu (Trung Quốc), nên số lượng học viên tham gia học ban đầu rất ít. Qua đó, phải mất một thời gian làm công tác tuyên truyền, vận động, và giải thích. Mãi đến khi người dân hiểu, thì công tác dạy và học chữ Nôm Dao mới phát triển.

Là người luôn quan tâm tới công tác phát triển và bảo tồn chữ Nôm Dao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Ông Thịnh là một trong những người dày công trong việc sưu tầm xây dựng thành công bộ chữ Nôm Dao. Qua đó phong trào học chữ Dao trên địa bàn tỉnh được lan rộng, đến nay nhiều cộng đồng người Dao ở Thanh Hóa đã biết đọc, biết viết thông thạo chữ của dân tộc mình.

Ngoài những đóng góp trên, ông Thịnh còn phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức sưu tầm và biên dịch các tư liệu văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Thái ở Thanh Hóa; sưu tầm và giới thiệu phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực của người Thái, người Mường; tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc Thái cho 5 lớp với 320 học viên là các cán bộ, công chức công tác ở các huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Như Thanh.

Cùng với việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc, ông còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học được xuất bản dưới dạng sách như: “Địa chí Thanh Hóa”;“Danh sỹ Thanh Hóa và việc học thời xưa”; “Thanh Hóa: Thiên nhiên-Xã hội-Con người”; Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc”….

Dù nay đã bước sang tuổi 80, nhưng ông Trần Văn Thịnh luôn thể hiện một sự lao động sáng tạo không mệt mỏi trong công tác nghiên cứu khoa học. Với những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS, ông đã được UBND tỉnh Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2017, ông là 1 trong 65 trí thức được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam vinh danh là Trí thức KH&CN tiêu biểu và là 1 trong 6 người được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.