Điều ấn tượng nhất mà anh Lâm Ngọc Nhâm để lại trong lòng những người đã tiếp xúc đó là sự nhiệt tình, chân thành và cảm nhận được từ anh một tình yêu mãnh liệt đối với cây tiêu. Anh Nhâm có thể ngồi cả ngày để trao đổi, chia sẻ về các vấn đề nông nghiệp, về hoài bão của mình và đặc biệt là về cây tiêu. Anh bảo, ngành nghề nào cũng vậy, nếu không có niềm đam mê, không có tình yêu thực sự với nó thì sẽ không bao giờ có được thành quả trọn vẹn.
Anh Nhâm sinh ra tại Tuyên Quang, sau đó gia đình anh chuyển vào ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) sinh sống. Gia đình vốn làm nông, nên khi khởi nghiệp anh cũng trải qua quá trình trồng trọt và chăn nuôi với nhiều khó khăn, vất vả. Thử nghiệm với nhiều loại cây trồng như, cà phê, điều, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, mít…; anh nhận thấy đối với người nông dân, cứ được mùa mất giá, được giá mất mùa, trồng rồi lại chặt, chặt rồi lại trồng, quy trình trồng trọt và chăm sóc cây trồng mạnh ai nấy làm... Anh trăn trở và suy nghĩ, phải làm một điều gì đó cho người nông dân và tìm ra loại cây trồng để phát triển ổn định cho bản thân gia đình và cộng đồng tại đây.
Cơ duyên đã đưa anh đến với cây tiêu và gắn bó không rời cho đến hôm nay. Anh Nhâm chia sẻ, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi trời ban cho khí hậu ổn định và đất đai thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng, trong đó có cây hồ tiêu. Anh quyết định chọn trồng cây hồ tiêu, với nhiều loại giống khác nhau... Một lần, anh phát hiện được một dây tiêu khác thường trong vườn, năm nào cũng cho năng suất cao, khỏe mạnh. Anh bèn cắt toàn bộ dây này ra nhân giống và theo dõi quá trình phát triển thấy rất khác biệt so với các giống khác.
Cây tiêu có bộ rễ cái rất to khỏe gấp nhiều lần giống khác. Cắt dây giống ở đâu ra rễ ở đó. Tiêu trưởng thành phân bổ mầm đều, chịu được hạn, kháng bệnh tốt, năng suất rất cao từ 10 - 12 tấn/ha, ổn định qua các năm. “Sau hơn 20 năm thử nghiệm, nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo. Tôi đặt tên cho giống tiêu này là tiêu Bầu Mây và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tiêu Bầu Mây tại Cục sở hữu trí tuệ”, anh Nhâm kể lại.
Với sự chịu thương chịu khó, ham học hỏi, say mê sáng tạo, anh Nhâm đã trở thành “nhà khoa học nông dân” từ chính vườn nhà mình. Anh xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ trồng và chăm sóc riêng cho tiêu Bầu Mây theo hướng hữu cơ, nghiên cứu chăm sóc, thí nghiệm và đưa ra sử dụng phân bón hữu cơ tự chế từ phôi trứng và cua để bón cho cây tiêu. Sáng chế ra nhà màng phơi sấy tiêu hoàn toàn tự nhiên bằng ánh sáng mặt trời sau khi thu hoạch, đem lại giá trị hàm lượng dinh dưỡng cao nhất đối với hạt tiêu thành phẩm.
Khởi đầu từ nông dân trồng trọt nhỏ lẻ, anh Nhâm dần phát triển thành hộ kinh doanh thành công, với mô hình Trang trại Bầu Mây. Sau đó, cùng chia sẻ kinh nghiệm và thành công của mình, anh thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Thương mại, Du lịch Bầu Mây; đồng thời thành lập Công ty CP Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây để phát triển và phân phối sản phẩm chế biến công nghiệp từ tiêu Bầu Mây đến khắp thị trường trong nước và xuất khẩu ra thế giới.
Hiện các sản phẩm từ tiêu Bầu Mây đã cung cấp được cho các thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng như: Anh, Nhật Bản, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Mỹ... Anh cũng là một trong những người tiên phong đưa ra thị trường thế giới các sản phẩm tiêu thành phẩm (sử dụng và ăn trực tiếp) chứ không phải chỉ xuất thô.
Với quan điểm “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, anh Nhâm chưa bao giờ ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm và những sáng kiến của mình với bà con nông dân; Anh đã góp phần đưa giống tiêu Bầu Mây phát triển trên toàn quốc, hiện tại đã phát triển được 1.000ha; chủ động vùng nguyên liệu, tạo một hướng đi mới cho nông dân trồng hồ tiêu bền vững.
Rót mời chúng tôi ly trà làm từ hoa tiêu - một sản phẩm mới nghiên cứu của mình, anh Nhâm bộc bạch: “Tôi cũng là một người nông dân. Tôi thành công được thì mọi người đều có thể thành công được. Mong muốn lớn của tôi là nâng giá trị cây tiêu Việt Nam lên một tầm cao mới”.