May mắn, chúng tôi được biết về đám cưới con trai đầu của gia đình ông Pả Chuôm ở bản Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa. Tại ngày lễ trọng đại này ai cũng đều tất bật, vui vẻ. Theo tục lệ của người Vân Kiều, khi chú rể và những người đại diện bên nhà trai sang nhà gái đón dâu, ngoài một số lễ vật theo yêu cầu từ trước thì nồi đồng, vòng cườm và thanh kiếm giao ước là ba lễ vật không thể thiếu. Đây chính là những lễ vật cần phải có để tiến hành tục lệ trao kiếm và chỉ khi thủ tục này hoàn tất thì cô dâu mới được phép rời khỏi nhà bố mẹ đẻ để về nhà chồng.
Ông Pả Chuôm giải thích: “Theo tổ tiên quan niệm và truyền lại thì cây kiếm là một công cụ lao động của người Vân Kiều, nó là vật dụng làm ra của cải. Nồi đồng tượng trưng cho sự ấm no. Vòng cườm là biểu hiện cho sự giàu có, nên chúng tôi ai cũng muốn thực hiện nghi thức này cho con cái của mình”. Nghi thức trao kiếm được diễn ra như sau: Khi đến nhà nữ, đại diện gia đình chú rể trao cho đại diện nhà cô dâu thanh kiếm, chiếc nồi đồng và vòng cườm, cô dâu sẽ đưa lại tất cả những thứ đó cho mẹ đẻ của mình. Sau đó mẹ cô dâu sẽ bắc chiếc nồi đồng lên bếp, cho một ít nước vào nồi cùng với vòng cườm, cuối cùng bà mẹ sẽ đâm mũi kiếm xuống bên cạnh chiếc nồi đồng trên bếp. Thủ tục trao kiếm như trên coi như đã hoàn tất, lúc này cô dâu có thể theo về nhà chồng.
Tục lệ trao kiếm trong lễ cưới có ý nghĩa quan trọng với người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa. Thanh kiếm tượng trưng cho sự gắn bó khăng khít giữa vợ và chồng, chuôi kiếm và lưỡi kiếm là hai bộ phận không thể rời nhau, chính vì vậy mà đôi vợ chồng cũng không thể thiếu nhau. Thanh kiếm còn tượng trưng cho sức mạnh của chú rể, là nơi cha mẹ cô dâu có thể yên tâm trao gửi con gái của mình. Với cả hai ý nghĩa đó nên dù người Vân Kiều không có nghề chế tác kim loại nhưng từ xưa nếu sinh được bao nhiêu con trai họ cũng phải cố gắng chuẩn bị được từng ấy thanh kiếm để đi hỏi vợ cho con. Thanh kiếm quý nhất là có bao kiếm được bọc bằng bạc trắng, đầu, thân, đuôi kiếm được chạm khắc hoa văn cầu kỳ và tinh xảo.
Ngày nay tục lệ trao kiếm vẫn được diễn ra trong đám cưới truyền thống của người Vân Kiều. Tuy nhiên do không có điều kiện như trước là mỗi chú rể phải có một thanh kiếm trao cho nhà gái. Vì thế người ta có thể mượn kiếm nhau hoặc có dòng họ làm 1 thanh kiếm để cho các chàng trai trong dòng họ dùng khi có lễ cưới. Thay vào việc nhà gái cất giữ kiếm như một thứ tài sản quý giá trong nhà thì, ngày nay thanh kiếm có thể được trả lại người chủ của nó sau khi lễ cưới kết thúc.
Trong lễ cưới của người Vân Kiều khi về nhà chồng cô dâu còn phải trải qua 2 tục lệ nữa là tục rửa chân, tục lệ ăn cơm chung và tục đạp bếp. Nhưng tục trao kiếm vẫn là tục lệ thiêng liêng nhất. Ngày nay, lễ cưới của người Vân Kiều đã được lược đi một số công đoạn và đơn giản hơn nhiều để phù hợp với cuộc sống mới. Nhưng tục lệ trao kiếm chính thức thì vẫn mãi được duy trì. Họ coi đây là cách để yêu thương nhau hơn, sống hạnh phúc và gắn bó bên nhau trọn đời.
Chia sẻ thêm về tục lệ độc đáo này, già làng Pả Căm ở thôn Húc Ván, xã Húc nói: “Tôi không nhớ tục trao kiếm này đã có từ bao giờ, từ khi tôi mới sinh ra và lớn lên thì nó đã có rồi. Đây là tục lệ bắt buộc và gắn liền với đời sống của người Vân Kiều nên tất cả các đôi trai gái khi tổ chức hôn lễ đều phải thực hiện thủ tục này. Tục lệ này nói chung cũng không ngoài ý nghĩa cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ khỏe mạnh, sống hạnh phúc, chung thủy đến trọn đời. Dân bản chúng tôi sẽ nguyện gìn giữ tục lệ đẹp này cho con cháu mai sau”.
ĐỨC VIỆT