Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Nguồn "sáng" về bản

Nguyễn Thanh - 11:15, 08/03/2021

Kể từ khi lập bản, dựng mường, bà con nhiều bản làng vùng cao xứ Nghệ lần đầu được đón ánh sáng điện lưới quốc gia. Niềm vui ấy càng nhân lên khi điện không chỉ là nguồn sáng sinh hoạt hàng ngày, mà có điện rồi sẽ mở mang tầm mắt, có thêm kiến thức, kinh nghiệm… để bà con phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng bản làng no ấm.

Người dân bản Lìm xã Châu Phong huyện Quỳ Châu sắm tivi sau khi có điện
Người dân bản Lìm xã Châu Phong huyện Quỳ Châu sắm tivi sau khi có điện

Khi bản làng lần đầu tiên "đón" điện

Trong sắc thắm của màu cờ đỏ, màu hồng nhạt của những cánh đào, biếc xanh của những nương keo ngút ngát… những ngày đầu xuân, tôi đã nghe rõ, cảm nhận đầy đủ bao âm thanh tươi mới kể từ khi ánh sáng điện lưới quốc gia được kéo về tận bản. Kể từ khi lập bản, dựng mường, đây là thời khắc đầu tiên, nhiều bản làng vùng cao ở Nghệ An đón ánh sáng điện lưới quốc gia.

Chúng tôi ghé thăm Châu Phong. Câu chuyện bản làng có điện vẫn còn rôm rả như  ngày cán bộ ngành điện dựng cột, kéo dây. Trong câu chuyện vui đầu năm, dân bản nơi đây đã kể về những dự định sắp tới của mình: sẽ có nhiều nhà mua máy xay xát gạo đấy, mấy nhà học nghề mộc, hàn cũng sẽ sắm máy làm tại nhà thôi, không phải đi làm thuê ở xa nữa.

Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) Lương Văn Hiệp không dấu nổi niềm vui: Cả đời làm cán bộ, tôi luôn mong xã mình sẽ xóa được “bản trắng điện lưới”. Trừ một số điểm dân cư nhỏ ở xa, còn tất cả thôn bản đã có điện rồi đấy. Có điện, bà con các bản làng sẽ sẽ mở mang tầm mắt hơn, có thêm kiến thức, kinh nghiệm… để phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống ấm no.

Ngày đóng điện, bà con các bản Đôm 1, bản Lìm, bản Tằm, bản Luộng ở Châu Phong vui lắm. Càng vui hơn khi nguồn sáng về bản đúng dịp bà con đang sửa soạn đón Tết cổ truyền Tân Sửu.

Thế rồi, chẳng ai bảo ai, nhà nào cũng sắm thêm các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. “Nhiều nhà đã mua nồi cơm điện, ti vi rồi, có nhà còn mua thêm tủ lạnh, quạt điện và cả loa máy… Tết vừa rồi vui lắm!”, Trưởng bản Đôm 1, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu Lương Xuân Thu hồ hởi.

Trước đây, để có điện phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đồng bào DTTS các xã vùng cao ở Nghệ An đã tự bỏ tiền mua tua bin nước hoặc sắm ắc quy, máy nổ… vừa tốn kém, vừa mất an toàn. Nhưng nay, từ nhiều nguồn khác nhau, các huyện miền Tây Nghệ An đang từng bước xóa “bản trắng điện lưới”. Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kì Sơn như vui lây niềm vui của bà con dân bản: “Người dân các bản xa chờ nguồn điện của Nhà nước lâu lắm rồi. Dịp Tết vừa rồi, toàn huyện có thêm 8 bản có điện. Điều này sẽ khiến cuộc sống đỡ vất vả, khó khăn, có thêm điều kiện để bà con phát triển kinh tế, xã hội”.

Xóa bản “trắng điện lưới”

Theo Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu Lương Văn Hiệp, việc phủ kín điện lưới toàn xã là một trong những quyết tâm được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm. Trước đây, xã có 19 bản, sau sáp nhập thì còn 9 bản. Hiện tại, địa phương chỉ còn một số điểm dân cư chưa có điện, đó là các bản cũ như: bản Quạng, bản Tằm 1, bản Tằm 2. Ông thông tin: Kế hoạch của huyện với ngành Điện đang phấn đấu trong năm 2021, sẽ cung cấp điện đến tận 100% hộ dân của xã. Đó là điều mà người dân chúng tôi mong chờ nhất.

Một trạm biến áp mới được lắp đặt tại xã Châu Phong
Một trạm biến áp mới được lắp đặt tại xã Châu Phong

Trên địa bàn các huyện miền núi cao như Quế Phong, Kì Sơn, Tương Dương… vẫn đang còn nhiều “bản trắng điện lưới”. Đó là những con số rất buồn, không chỉ của người dân mà còn của cả ngành điện và chính quyền địa phương. Trong 4 yếu tố hàng đầu “điện, đường, trường, trạm”, việc thiếu điện đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng người DTTS nơi miền Tây Nghệ An.

Phủ sóng lưới điện đến tận thôn, bản xa đang là mục tiêu cũng là nỗ lực rất cao của các cấp, các ngành. Ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu nói chắc nịch: “Chúng tôi đã có những kiến nghị đến Công ty Điện lực Nghệ An và Sở Công Thương. Sau cuộc họp 3 bên, Công ty Điện lực Nghệ An nêu cụ thể kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn huyện Quỳ Châu trong năm 2021. Huyện đã xác định, sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án để hoàn thành cấp điện trong năm 2021…”.

Đến nay, kế hoạch thực hiện “Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia năm 2021” cũng đã được Công ty Điện lực Nghệ An xác định rõ, với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước giao 100 tỷ đồng). Đại diện Công ty Điện lực Nghệ An cho hay: Công ty sẽ thực hiện xây dựng mới tuyến đường dây trung áp với chiều dài 122.9 km; xây dựng mới 44 trạm biến áp. Với quy mô đầu tư xây dựng như vậy, hết năm 2021 sẽ có thêm 3.536 hộ dân được cấp điện…

Trong năm 2020, Công ty điện lực Nghệ An đã hoàn thành việc cấp điện nông thôn cho 32 thôn, bản, cụm dân cư trên địa bàn 12 xã thuộc 4 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, 27 thôn, bản tại các huyện miền núi Kì Sơn, Tương Dương, Quế Phong cũng đã được đóng điện.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.