Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nguy cơ sông băng biến mất trên dãy Alps

Nguyệt Anh - 10:17, 02/08/2022

Năm nay, các sông băng của dãy Alps đang trên đà tan chảy và biến mất với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 60 năm qua.

Sông băng Pers gần núi Piz Palue, gần khu nghỉ mát Alpine của Pontresina, Thụy Sĩ ngày 22/7/2022. Ảnh: Reuters
Sông băng Pers gần núi Piz Palue, gần khu nghỉ mát Alpine của Pontresina, Thụy Sĩ ngày 22/7/2022. Ảnh: Reuters

Nắng nóng cao điểm không chỉ gây cháy rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân tại những nơi đông dân cư. Những khu vực vốn quanh năm lạnh lẽo cũng chứng kiến tác động tiêu cực và rõ rệt của nắng nóng khắc nghiệt.

Những ngọn núi ở dãy Alps không còn được phủ một màu trắng tinh của lớp băng dày như trước đây. Nay lớp đất đá màu đen ở bên dưới bắt đầu hiện lên sau khi những con sông băng tan chảy với tốc độ đáng kinh ngạc, như sông băng Morteratsch dài 15 km ở Thuỵ Sĩ. Năm nay, các chuyên gia đã phải tới đây thực hiện công việc kiểm tra khẩn cấp do sông băng Morteratsch đã bị mất đi một lượng băng rất dày.

Anh Andreas Linsbauer, chuyên gia nghiên cứu về băng, nói: "Việc cắm những cây cọc như thế này giúp chúng tôi đo lượng băng mất đi. Năm nay, độ dày mất đi của băng là khoảng hai mét, trong khi mọi năm là một mét".

Hầu hết các sông băng trên núi trên thế giới, tàn tích của kỷ băng hà cuối cùng, đang tan chảy do biến đổi khí hậu. Những con sông ở dãy Alps ở châu Âu đặc biệt dễ tan chảy hơn vì chúng hẹp hơn với lớp băng phủ tương đối mỏng. Trong khi đó, nhiệt độ ở dãy Alps đang ấm lên vào khoảng 0,3°C mỗi thập kỷ, nhanh gấp 2 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Chị Lisa Neyt, khách du lịch Bỉ, cho biết: "Tôi đã đến đây 15 năm trước đây và bây giờ tuyết không còn nữa, các con sông băng trên núi cũng không còn. Thời tiết nóng hơn. Bình thường chúng tôi có mũ và găng tay để giữ ấm, bây giờ chúng tôi không cần chúng nữa".

Trao đổi với báo giới, nhà nghiên cứu sông băng Andrea Fischer tại Học viện Khoa học Áo, cho biết ở Áo, các sông băng đều không có tuyết phủ.

Tuyết rơi theo mùa, ngoài việc bổ sung lượng băng bị mất trong mùa Hè, còn bảo vệ các sông băng khỏi tan chảy hơn nữa bằng cách cung cấp một lớp phủ màu trắng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời trở lại bầu khí quyển tốt hơn so với băng sẫm màu bị ám bởi khói bụi hoặc ô nhiễm.

Các sông băng đã hứng chịu tác động tiêu cực và rõ rệt của nắng nóng khắc nghiệt. (Ảnh: AP)
Các sông băng đã hứng chịu tác động tiêu cực và rõ rệt của nắng nóng khắc nghiệt. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên tại sông băng Grand Etret ở phía Tây Bắc Italy, chỉ có 1,3m tuyết đã tích tụ trong suốt mùa Đông vừa qua - ít hơn 2m so với mức trung bình hàng năm trong 20 năm tính đến năm 2020.

Các sông băng ở Himalaya cũng đang trên đà thu hẹp. Khi vùng Kashmir bước vào mùa gió mùa trong mùa Hè, nhiều sông băng đã bị thu hẹp đáng kể.

Một cuộc thám hiểm vào đầu tháng 6 tại Himachal Pradesh của Ấn Độ đã phát hiện ra rằng sông băng Chhota Shigri đã mất nhiều lớp tuyết phủ.

Nhà nghiên cứu sông băng Mohd Farooq Azam tại Viện Công nghệ Ấn Độ Indore cho biết nhiệt độ cao nhất trong hơn một thế kỷ từ tháng Ba đến tháng Năm rõ ràng đã có tác động đến dòng sông băng này.

Các sông băng biến mất đã và đang gây nguy hiểm cho cuộc sống và sinh kế của người dân.

Đầu tháng này, một vụ lở băng trên núi Marmolada ở Italy, đỉnh cao nhất trong dãy núi Dolomites và là một phần của dãy Alps, đã khiến 11 người thiệt mạng.

Vài ngày sau, một vụ lở băng ở vùng núi Tian Shan, phía Đông Kyrgyzstan, đã gây ra một trận tuyết lở lớn, gây nguy hiểm cho du khách đi qua.

Trong khi đó, cư dân Thụy Sĩ cũng bày tỏ lo lắng rằng sông băng tan chảy sẽ làm tổn hại đến sinh kế của họm đặc biệt là một số khu nghỉ mát trượt tuyết trong khu vực của dãy Alps, nơi kinh tế dựa vào các sông băng này.

Những con sông băng của Thụy Sĩ từng xuất hiện trong nhiều câu chuyện cổ tích của đất nước này.

Đặc biệt, sông băng Aletsch trên dãy Alps được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.

Ông Bernardin Chavaillaz, một người chuyên đi bộ đường dài, phàn nàn rằng mất đi các sông băng "đồng nghĩa là mất đi di sản quốc gia, bản sắc của chúng ta" và đây là điều "vô cùng đáng buồn".

Theo các chuyên gia, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, các sông băng trên dãy Alps dự kiến sẽ mất hơn 80% khối lượng hiện tại của chúng vào năm 2100.

Tin cùng chuyên mục
Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, vùng Tây Nguyên quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 05 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.