Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và hội nhập

Thúc đẩy quảng bá giá trị văn hóa Việt trên nền tảng số

Minh Nhật - 16:18, 19/05/2025

Nhằm hợp tác thúc đẩy quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam trên môi trường số. Ngày 19/5, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và TikTok Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phối hợp quảng bá hoạt động của Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản - một trong những sự kiện toàn cầu lớn nhất trong năm 2025.

Các đại biểu tham gia Lễ ký kết. Ảnh: TL
Các đại biểu tham gia Lễ ký kết. Ảnh: TL

Phát biểu tại lễ ký kết, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa khẳng định, việc kể câu chuyện Việt Nam với thế giới không còn chỉ giới hạn trong các hoạt động ngoại giao truyền thống, mà cần sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ số, tiến bộ kỹ thuật hiện đại để lan tỏa đến những đối tượng công chúng mới, đặc biệt là giới trẻ toàn cầu. TikTok với hàng tỷ người dùng và khả năng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành đối tác giúp truyền tải hình ảnh Việt Nam một cách sống động, gần gũi và dễ tiếp cận hơn.

Một trong những trọng tâm nổi bật trong khuôn khổ bản ghi nhớ hợp tác, là phối hợp quảng bá Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng diễn ra trong 6 tháng, với hơn 160 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia, dự kiến thu hút khoảng 28 triệu lượt khách tham quan.

Nhà Triển lãm Việt Nam được thiết kế như một không gian kể chuyện, giới thiệu về bản sắc, thành tựu phát triển, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực du lịch, thương mại và đầu tư… thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, công nghệ và truyền thông đa phương tiện.

Theo thống kê, ngày cao điểm, Nhà Triển lãm Việt Nam đón khoảng 10 nghìn lượt khách, trong đó có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành phố và địa phương của Nhật Bản, các nhà đầu tư và công chúng quốc tế. Bên cạnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu di sản, trong không gian triển lãm diễn ra các hoạt động kết nối doanh nghiệp, trưng bày sản phẩm sáng tạo, giới thiệu các ngành nghề truyền thống và tổ chức sự kiện tương tác sinh động.

Nền tảng TikTok sẽ đóng vai trò hỗ trợ truyền thông, đưa hình ảnh Nhà Triển lãm Việt Nam lan tỏa rộng rãi tới bạn bè quốc tế, đặc biệt thông qua các chiến dịch truyền thông số với sự tham gia của các KOLs và các nhà sáng tạo nội dung. Đây cũng là dịp để giới nghệ sĩ Việt Nam tiếp cận gần hơn với công chúng quốc tế, khẳng định giá trị văn hóa đương đại bên cạnh các di sản truyền thống.

Việc tăng cường hiện diện của văn hóa Việt tại những diễn đàn toàn cầu như EXPO 2025 góp phần khẳng định hình ảnh một quốc gia năng động, giàu bản sắc, sẵn sàng hội nhập và đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ, trong bảy năm hoạt động tại Việt Nam, TikTok luôn đồng hành với các cơ quan quản lý trong quảng bá di sản, điểm đến văn hóa và các hoạt động nghệ thuật đặc sắc. "Lần đầu tiên, thông qua hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi có cơ hội cùng góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trong một khuôn khổ mang tầm toàn cầu như EXPO 2025", ông Nguyễn Lâm Thanh chia sẻ.

Quảng bá văn hóa Việt trên môi trường số. Ảnh: TL
Quảng bá văn hóa Việt trên môi trường số. Ảnh: TL

Không chỉ dừng lại ở EXPO 2025 Osaka, việc quảng bá văn hóa Việt trên môi trường số sẽ là chiến lược dài hạn giúp văn hóa trở thành sức mạnh mềm trong giao lưu quốc tế. Những giá trị đặc trưng như nghệ thuật dân gian, ẩm thực truyền thống, trang phục dân tộc, phong tục, nghi lễ… sẽ được tái hiện dưới góc nhìn hiện đại, dễ tiếp cận, tạo ra trải nghiệm vừa trực quan, sinh động vừa sâu sắc về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh việc hỗ trợ truyền thông tại EXPO 2025, TikTok sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng về nền tảng số cho đội ngũ nhân lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có năng lực truyền thông trong thời đại số.

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và các công nghệ trình diễn mới, việc truyền tải văn hóa ngày nay không còn bó hẹp trong các hình thức truyền thống, mà đang mở rộng sang lĩnh vực tương tác số, trải nghiệm ảo, truyền thông xã hội. 

Việc hợp tác giữa cơ quan quản lý văn hóa và các nền tảng số cho thấy, tầm nhìn mở và linh hoạt trong phương pháp tiếp cận đối ngoại văn hóa của Việt Nam. Đây là cách tiếp cận mới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước một cách chân thực, gần gũi với ngôn ngữ hiện đại.

Tin cùng chuyên mục
Di sản văn hóa ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa

Di sản văn hóa ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa

Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch, các làng Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận rộn ràng tổ chức đón mừng năm mới Chăm lịch 2025. Riêng làng Chăm Bỉnh Nghĩa tổ chức đón mừng năm mới với chuỗi hoạt động nghi lễ độc đáo, mang đậm sắc thái tâm linh cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình hạnh phúc. Nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021.