Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nguy cơ thiếu cán bộ làm công tác dân tộc cấp cơ sở

Thúy Hồng - 21:32, 21/08/2020

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy cũng đã xuất hiện những khó khăn, bất cập, nhất là đối với cơ quan công tác dân tộc ở cấp cơ sở.

Đoàn cán bộ Dân tộc giám sát về kết quả thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất tại xã Lam Sơn, huyện Na Rì, Bắc Kạn.
Đoàn cán bộ Dân tộc giám sát về kết quả thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất tại xã Lam Sơn, huyện Na Rì, Bắc Kạn.

Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, chiếm hơn 82% dân số toàn tỉnh. Thực hiện sắp xếp lại bộ máy hành chính cấp huyện, 11/11 Phòng Dân tộc các huyện đã được sáp nhập vào Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH). Theo đó, số lượng cán bộ làm công tác dân tộc cũng được tinh giảm.

Theo bà La Thị Huyền, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH - Dân tộc huyện Văn Quan, giai đoạn 2016 - 2020, sau khi sáp nhập, Phòng Dân tộc không còn là cơ quan thường trực thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, mà chỉ là đơn vị quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Các hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất và chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng đều đã chuyển giao cho các đơn vị chức năng khác triển khai thực hiện… Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc. Bởi đặc thù của huyện là địa hình rộng, thiếu cán bộ chuyên trách về mảng dân tộc, nên công tác khảo sát, nắm tình hình về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại các xã vùng sâu gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ ở Văn Quan, thực trạng này cũng đang diễn ra tại các địa phương đã thực hiện công tác sáp nhập. Theo Báo cáo số 370 ngày 13/8/2020 của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết của Quốc hội về giám sát trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực Nội vụ, sau 2 năm thực hiện kiện toàn tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 25/10/2017, cả nước có 278 Phòng Dân tộc được sáp nhập với các đơn vị hành chính khác. Việc sáp nhập khiến số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn rất ít, chỉ 2 cán bộ/huyện.

Thực tế này đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai, giám sát, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở cơ sở. Đặc biệt, để triển khai thực hiện Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trong thời gian tới, thì không thể không có đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc cấp cơ sở, nhất là những địa phương có đông đồng bào DTTS.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thúc Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Ủy ban Dân tộc (UBDT) cho biết: Việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy hành chính cấp cơ sở thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, huyện theo Nghị quyết 24/2014/ NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều khó khăn, bất cập.

UBDT với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về công tác dân tộc ở cấp Trung ương đã lắng nghe, sẽ xem xét, kiến nghị với Chính phủ để thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trong giai đoạn tiếp theo, nhất là các địa phương bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Thiết nghĩ việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cần phải được thực hiện trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế; nhiệm vụ của từng đơn vị chức năng, để làm sao phát huy được hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, nhất là những địa phương thực hiện chương trình, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Từ nhiều năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh gia cao; trong đó, kết quả giảm nghèo đa chiều đặc biệt ấn tượng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thành quả giảm nghèo ở địa bàn này xuất phát từ hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.