Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nhà “Kiều học” Nguyễn Khắc Bảo

Đông Khánh - 10:07, 14/10/2020

Ông Nguyễn Khắc Bảo, sinh năm 1947 ở phường Tiền An, TP. Bắc Ninh (Bắc Ninh) không chỉ danh tiếng trong nghề bốc thuốc nam gia truyền mà còn được mệnh danh là nhà “Kiều học”, nhà giáo, nhà sưu tập đồ cổ, nhà ngôn ngữ học… Ông đã “cả gan” sửa Truyện Kiều và được các tạp chí chuyên ngành Hán Nôm, Ngôn ngữ, Văn học ghi nhận đăng tải, được các nhà “Kiều học” trong nước đánh giá cao.

Nhà “Kiều học” Nguyễn Khắc Bảo

Cơ duyên với Truyện Kiều

Là chủ hiệu thuốc đông y có tiếng (hiệu Cao Chọi) nhưng ông Bảo lúc nào cũng tự nhận mình là “vô sản” bởi hơn chục năm nay, hễ kiếm được đồng nào là ông lại đem “nướng” hết vào việc “chơi Kiều” và sưu tầm cổ vật.

Mấy chục năm qua, ông Nguyễn Khắc Bảo luôn chuyên tâm nghiên cứu, tìm hiểu truyện Kiều. Ông đã chứng minh và làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà giới khoa học đã thừa nhận. Theo ông Bảo, bản dịch quốc ngữ Truyện Kiều do học giả Đào Duy Anh biên soạn năm 1979 được truyền bá và thông dụng nhất hiện nay, thế nhưng ít ai biết rằng, ông Bảo đã sửa đến 918 chữ ở 701 câu trong đó, với tinh thần “Câu chữ nào của Nguyễn Du xin trả lại cho Nguyễn Du”.

Xuất thân trong gia đình làm nghề thuốc Đông y gia truyền, lúc nhỏ ông Bảo được ông nội và cha dạy cho ít chữ Hán, nhưng lớn lên lại gắn bó với nghề giáo, dạy môn Toán. Khi về “hưu non”, ông tiếp tục hành nghề Đông y. Ông lôi tất cả các đơn thuốc cổ của tư gia ra để nghiên cứu. Ngặt nỗi, đơn thuốc, sách thuốc toàn viết bằng chữ Hán Nôm, không có giáo trình dạy chữ Nôm, ông bèn nghĩ đến cuốn “Truyện Kiều” bằng chữ Nôm mà các cụ để lại. Vậy là ông đi mua thêm một quyển Kiều bằng chữ Quốc ngữ để đối chiếu và tình cờ phát hiện có một số từ trong Truyện Kiều chữ Nôm khác với Truyện Kiều chữ Quốc ngữ.

Tìm hiểu rộng thêm, ông thấy Truyện Kiều có khá nhiều dị bản nên ông quyết tâm tìm tòi, phát hiện và lý giải những điểm sai hoặc chưa phù hợp của một số bản dịch Truyện Kiều đang được lưu hành phổ biến.

Ông Nguyễn Khắc Bảo đã có trên 20 năm sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh sửa lại bản dịch Truyện Kiều.
Ông Nguyễn Khắc Bảo đã có trên 20 năm sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh sửa lại bản dịch Truyện Kiều.

Nhà “Kiều học”

Ngôi nhà nhỏ của ông lang Chọi cất giữ một gia sản đáng giá gồm 45 bản Kiều nôm, cùng một bản Kiều chữ Quốc ngữ cổ nhất của học giả Trương Vĩnh Ký, in năm 1875. Trong hành trình sưu tầm các bản Kiều cổ, ông đã đi đến nhiều vùng miền khác nhau, có bản Kiều, ông phải nhờ người quen Photo từ một thư viện bên Anh quốc.

Hơn 20 năm đi sưu tầm, nghiên cứu Truyện Kiều, ông Bảo đã có trong tay một loạt bản Truyện Kiều được in bởi những nhà xuất bản nổi tiếng như: Bảo Hoa Các; Chu Mạnh Trinh, năm 1906; Phúc An Hiệu, năm 1933 do Tiên điền lễ Tham Nguyễn Hầu soạn; Liễu Văn Đường, năm 1866, năm 1871; Thịnh Mĩ Đường và Quan Văn Đường, năm 1879; Văn Nguyên Đường 1879... Đó cũng là cơ sở để ông làm sáng tỏ nhiều vấn đề còn chưa chuẩn xác của các bản dịch Truyện Kiều.

Ông Bảo đưa ra ví dụ, ở câu thứ 1951-1952, đoạn Thúc Sinh tâm sự với Thúy Kiều ở Quan Âm các, các bản Kiều quốc ngữ đều chép rằng: “Quản chi lên thác xuống ghềnh/Cũng toan sống thác với tình cho xong” ông Bảo đã chữa thành: “Quản chi trên các, dưới duềnh/Cũng toan sống thác với tình cho xong”. Ông lập luận: “Tôi đã căn cứ vào 20 bản Kiều cổ, đều thấy mặt chữ ghi là “trên các dưới duềnh”. Tìm hiểu thêm thì được biết có điển tích “Dương Hùng đầu các nhi tử - Khuất Nguyên tự trầm Mịch La”. Dương Hùng là một nhà nho đời Hán, do xấu hổ vì sự phản bội của mình mà đâm đầu từ trên gác xuống. Còn vị quan thanh liêm Khuất Nguyên do sự oan khuất mà phải gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Ở đây, Thúc Sinh ngụ ý nói với Kiều là mình không quản ngại việc “nhảy lầu” hay “trầm mình”, song vì chưa có con nối dõi (Tông đường chút chửa cam lòng/Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai) nên chưa thể chết.

Còn nếu như Thúc Sinh nói là “lên thác xuống ghềnh” thì có nghĩa anh ta sẽ chấp nhận vượt mọi gian khó, chông gai để sát cánh cùng Thúy Kiều, chứ có đâu lại khuyên Thúy Kiều “Liệu mà cao chạy xa bay/Ái ân ta có ngần này mà thôi” - một cách vô trách nhiệm như thế”…

Năm 2004, ông Bảo được mời dự Hội nghị quốc tế về chữ Nôm và trình bày bản tham luận “Phiên âm chính xác Truyện Kiều để bảo tồn từ ngữ cổ của tiếng Việt”, trong đó công bố phục nguyên 21 câu Kiều theo 41 bản Kiều Nôm có trong bộ sưu tập của ông. Bản tham luận đã gây được nhiều chú ý của dư luận. Năm 2010, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam và hiện vẫn đang tích cực đóng góp cho xã hội, với công việc chữa bệnh theo phương pháp Đông y và nghiên cứu Truyện Kiều.

Tin cùng chuyên mục