Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tìm chỗ đứng cho văn học dân tộc thiểu số

Hồng Phúc - 10:50, 11/03/2020

Kho tàng văn học của đồng bào DTTS đã từng có thời điểm phát triển rực rỡ. Nhưng hôm nay, trước những thách thức về hội nhập văn hoá trong thời đại 4.0, văn học DTTS đang loay hoay tìm chỗ đứng cho chính mình.

Một số tác phẩm văn học về đề tài các DTTS.
Một số tác phẩm văn học về đề tài các DTTS

Nhắc đến văn học DTTS không thể không nhắc tới truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” (Sống chụ son sao) - thiên trường ca trữ tình kết hợp giữa truyện dân gian và thơ ca dân gian, đồng bào dân tộc Thái. Đây là câu chuyện tình của một đôi trai gái ở bản Panh và bản Sái thuộc xã Tranh Đấu, huyện Thuận Châu (tức Mường Muổi, Sơn La ngày nay).

Nhà thơ Nguyễn Khôi, dịch giả chuyển thơ Việt của truyện thơ “Sống chụ son sao” nhận xét rằng, những phong tục tập quán, văn hoá truyền thống, bao nỗi lao đao thăng trầm, … được dồn nén trong thiên bi tình sử này và nó đã trở thành bộ từ điển bách khoa của đời sống tinh thần dân tộc Thái. Người Thái thuộc và hát “Tiễn dặn người yêu” trong những cảnh huống giống như người Kinh thuộc và bói Kiều vậy.

Theo nhà thơ Nguyễn Khôi, trong “Sống chụ son sao”, ngôn ngữ thơ được đánh giá đã đạt đến trình độ điêu luyện. Hầu hết các thể thơ Thái thông dụng đã được sử dụng trong “Sống chụ son sao”, từ thể câu dài 11, 12 chữ, đến thể câu ngắn 5, 6 chữ. Các thể thơ này được dùng xen kẽ với nhau khá nhuần nhuyễn.

Còn trong nền văn học đương đại, chúng ta có thể thấy những tên tuổi của Nông Quốc Chấn - nhà thơ dân tộc nổi tiếng, là tác giả văn học DTTS được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cùng với đó là các nhà văn, nhà thơ như Nông Minh Châu, Cầm Biêu, Bàn Tài Ðoàn, Vương Anh, Lương Quy Nhân, Mã Thế Vinh, Nông Viết Toại, Mã A Lềnh,…

Không chỉ có đội ngũ văn nghệ sĩ người DTTS mà đề tài này cũng đã thu hút nghệ sĩ người Kinh qua các thời kỳ. Đề tài DTTS và miền núi được phản ánh rõ nét qua các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng như: Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Ðiềm, Mạc Phi, Ma Văn Kháng, Trung Trung Ðỉnh,...

Từ thực tế có thể thấy, văn học DTTS có một chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả. Nhà văn người DTTS và nhà văn viết về đề tài DTTS, miền núi vẫn đang ghi những dấu ấn quan trọng của mình trong đời sống văn học đương đại. Không chỉ có những tên tuổi gạo cội, gần đây liên tiếp xuất hiện những cây bút gặt hái nhiều thành công với “mảnh đất” giàu tiềm năng này.

Ví dụ trong truyện ngắn “Gốc gội xù xì” của tác giả trẻ Hà Thị Cẩm Anh đăng trong cuốn “Văn xuôi dân tộc và miền núi thế kỷ XXI”, người đọc cảm nhận được sự hồn hậu, hồn nhiên với hạnh phúc giản dị, bình yên; có khi dữ dội, đau thương trước những nghiệt ngã của số phận bởi hủ tục của cô gái Mường ở thung lũng Si Dồ - Mường Vang phải đối diện.

Sinh ra có khuôn mặt dị dạng, nên cô gái phải trốn vào trong rừng. Nhưng cô vẫn kiên cường tiếp tục sống với tình yêu bản thân, sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Trong cô, những khát khao mãnh liệt có hạnh phúc lứa đôi đã giúp cô vượt qua định kiến, hủ tục bản thân để tìm hạnh phúc của riêng mình.

Dẫn chứng như vậy để thấy, ngay trong một tác phẩm nhỏ, ta đã thấy được sự chuyển mình từ những vấn đề nhân sinh trong thời đại mới. Nó không hề đao to búa lớn, mà phản ánh được những góc cạnh hiện thực đời sống của đồng bào DTTS.

Trong thời đại công nghệ 4.0 như ngày nay, mạng xã hội, internet là một thế giới giải trí muôn màu. Nó là thách thức chung cho mọi loại hình văn học chứ không chỉ riêng mảng đề tài về DTTS. Thế nhưng, đây cũng đồng thời là cơ hội bởi thế giới phẳng, văn học DTTS cũng hội nhập nhanh chóng mạng xã hội, không chỉ trong phương thức tiếp cận, truyền thông mà còn có cơ hội quảng bá rộng rãi khi được chuyển thể thành phim.

Ở góc độ này, ta có thể nhắc đến nhà văn Đỗ Bích Thuý, tác phẩm của chị đã gây tiếng vang lớn khi chuyển thể thành bộ phim “Lặng yên dưới vực sâu”. Vì thế, trong khó khăn cũng có thể nhìn ra cơ hội, chúng ta cần những cú hích để tạo thành một làn sóng mới, có chỗ đứng trong nền văn học hiện đại.