Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nhà máy nước Kim Sơn: “Đắp chiếu” vì thu tiền đối ứng chưa đủ

Minh Thứ - 09:21, 18/04/2020

Năm 2012, một nhà máy nước ở huyện Quế Phong (Nghệ An) có vốn đầu tư hơn 41 tỷ đồng, phục vụ nước sinh hoạt cho gần 10.000 hộ dân được khởi công. Năm 2015, công trình hoàn thành cơ bản các hạng mục. Song, đến nay công trình vẫn “đắp chiếu”!

Công trình đã hoàn thiện cơ bản nhưng thiếu vốn để đấu nối và thẩm định hồ sơ quyết toán nên phải “đắp chiếu” từ nhiều năm nay
Công trình đã hoàn thiện cơ bản nhưng thiếu vốn để đấu nối và thẩm định hồ sơ quyết toán nên phải “đắp chiếu” từ nhiều năm nay

Năm 2012, Nhà máy nước thị trấn Kim Sơn được khởi công, với tổng vốn đầu tư hơn 41 tỷ đồng, do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư. Dự án gồm 4 gói thầu, là xây dựng trạm xử lý nước sạch và trạm biến áp điện, lắp đặt mạng ống cấp nước, tư vấn giám sát, bảo hiểm. 

Công trình do Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An thi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2012. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, đến năm 2015, Nhà máy nước Kim Sơn mới hoàn thành các hạng mục cơ bản, chỉ còn lại một hạng mục, là thi công các đấu nối cấp nước vào các hộ dân trên địa bàn thị trấn Kim Sơn và vùng phụ cận gồm hai xã Mường Nọc và Tiền Phong.

Tuy nhiên đến nay, sau gần 8 năm, hạng mục này vẫn chưa hoàn thiện, nên nhà máy gần như không hoạt động. Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân là do thiếu vốn đối ứng đóng góp của người dân để tiếp tục hoàn thiện hạng mục này. 

Cụ thể, để lắp đặt các hệ thống đường ống cấp I, II và đấu nối đến các hộ dân, thì người dân phải đóng góp kinh phí đối ứng 35% trong tổng kinh phí đầu tư. Nhưng hiện chủ đầu tư (UBND huyện Quế Phong) vẫn chưa thu được, nên đơn vị thi công không có vốn thực hiện. 

Bà Vi Thị Duyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong cho biết: Theo quy định, để công trình tiếp tục được triển khai thì Nhân dân phải đóng đủ 35% giá trị công trình, tương đương với khoảng 2,8 tỷ đồng. Nhưng đến nay, số tiền này vẫn chưa thu đủ. Thiếu vốn, nên nhà thầu dừng lại không tiếp tục thi công phần đấu nối đến các hộ dân.

Theo bà Duyến, ngoài vốn đối ứng của người dân chưa nộp đủ, thì việc đưa vào vận hành Nhà máy nước Kim Sơn cũng còn vướng một vấn đề khác nữa là, hồ sơ quyết toán dự án đã được trình Sở Tài chính phê duyệt từ tháng 5/2019; nhưng do thiếu kinh phí nộp thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành nên hồ sơ vẫn để đấy. Vì dự án chưa được quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, nên chưa thể đấu thầu quản lý, vận hành được.

Trao đổi với phóng viên, những hộ dân đã nộp tiền đối ứng để được sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước rất bức xúc. Tất cả đều mong muốn huyện sớm có giải pháp thu đúng, thu đủ số tiền đối ứng, đồng thời giải quyết những vướng mắc khác để nhà máy nước sớm đi vào hoạt động. 

Ông Vi Văn Lai, người dân xã Tiền Phong, cho hay: “Khi nghe tin Nhà nước đầu tư xây dựng Nhà máy nước ở thị trấn Kim Sơn, người dân xã Tiền Phong phấn khởi lắm. Khi xã thông báo thu khoản tiền đối ứng chúng tôi nhiệt tình ủng hộ, nhiều gia đình đã đóng. Nhưng đến bây giờ nhà máy vẫn chưa hoàn thành. Người dân năm nào cũng vậy đến mùa khô lại phải lo đi tích trữ nước để sinh hoạt. Chính quyền phải quyết liệt đi chứ, chẳng lẽ nhà máy cứ bỏ không vậy mãi, tiền thì chúng tôi cũng đã nộp rồi”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay: Công trình xong cơ bản rồi nhưng vẫn phải nằm phơi nắng phơi mưa, một số hạng mục đang dần xuống cấp, người dân thì ngóng nước sạch huyện cũng rất trăn trở.

“Tất cả nguyên nhân vẫn là do thiếu vốn. Ngân sách của huyện không đáp ứng được nên đến nay mọi việc phải giậm chân tại chỗ. Huyện đã có ý kiến đề nghị Sở Tài chính xem xét, giải quyết”, ông Giáp bày tỏ.

Theo quy định, để công trình tiếp tục được triển khai thì Nhân dân phải đóng đủ 35% giá trị công trình, tương đương với khoảng 2,8 tỷ đồng. Nhưng đến nay, số tiến này vẫn chưa thu đủ. Thiếu vốn, nên nhà thầu dừng lại không tiếp tục thi công phần đấu nối đến các hộ dân.”

Bà Vi Thị Duyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong

Tin cùng chuyên mục
Lào Cai: Hàng trăm hộ dân không có sổ đỏ khi đang sinh sống trên đất thổ cư- Trách nhiệm thuộc về ai ?

Lào Cai: Hàng trăm hộ dân không có sổ đỏ khi đang sinh sống trên đất thổ cư- Trách nhiệm thuộc về ai ?

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai rất bức xúc khi mảnh đất thổ cư mà gia đình họ sinh sống bao đời nay, không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sau thời gian dài cơ quan chức năng thu hồi để thực hiện dự án chuẩn hóa hồ sơ địa chính.