Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nhà máy Thủy điện Bắc Cuông tích nước gây ngập úng - Người dân bức xúc

Trọng Bảo - 11:12, 09/11/2021

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở bản Đao, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên (Lào Cai) rất bức xúc, vì diện tích đất sản xuất bao đời nay bị ngập mỗi khi Nhà máy Thủy điện Bắc Cuông tích nước. Đất sản xuất thì mất, nhưng phía Nhà máy thủy điện cho đến thời điểm này chưa có phương án đền bù cho người dân.

Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị sạt lở từ khi Nhà máy thủy điện tích nước
Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị sạt lở từ khi Nhà máy thủy điện tích nước

Hộ gia đình ông Cổ Văn Hà có 10 sào ruộng; đây là phương tiện sinh sống của cả gia đình bao đời nay. Ông Hà cho biết: Khi khảo sát để xây dựng Dự án Nhà máy Thủy điện Bắc Cuông, Nhà máy đã cắm mốc sát bờ ruộng của gia đình, và khẳng định sẽ không ảnh hưởng đến diện tích ruộng này. Nhưng khi thủy điện tích nước, 10 sào ruộng của gia đình bị ngập úng, không thể trồng lúa được nữa. “Chúng tôi rất buồn khi có ruộng, có đất mà không thể trồng cấy, phải đi mua gạo ăn. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên thôn, xã nhưng chưa thấy Nhà máy về thống kê đền bù”, ông Hà chia sẻ.

Được biết, cuối năm 2019, Nhà máy Thủy điện Bắc Cuông bắt đầu tích nước để vận hành thử nghiệm. Nước ở lòng hồ thủy điện bắt đầu dâng cao, vượt qua mốc giới mà Nhà máy đã cắm, gây ngập úng hàng nghìn cây gỗ tạp, quế và nhiều diện tích ruộng nằm cạnh bờ suối.

Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của bà con ở bản Đao, xã đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu Nhà máy thủy điện đến thống kê diện tích đất sản xuất, cây trồng bị ảnh hưởng để có phương án đền bù cho người dân. “Qua thống kê, có gần 18.000 m2 lúa, hoa màu của 25 hộ ở bản Đao bị ngập khi nước dâng, hơn 2.000 cây quế và cây gỗ tạp của người dân bị ảnh hưởng…”, ông Nhâm thông tin.

Do thường xuyên bị ngập, nên nhiều diện tích ruộng bà con buộc phải chuyển sang trồng các cây rau màu khác, nhưng cũng rất bấp bênh
Do thường xuyên bị ngập, nên nhiều diện tích ruộng bà con buộc phải chuyển sang trồng các cây rau màu khác, nhưng cũng rất bấp bênh

Trước thực trạng này, huyện Bảo Yên đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương và Nhà máy Thủy điện Bắc Cuông kiểm tra, rà soát cây cối, hoa màu, tài sản, đất đai của người dân bị ảnh hưởng khi thực hiện Dự án.

Tại buổi làm việc ngày 12/8/2021 giữa các cơ quan chuyên môn của huyện Bảo Yên, UBND xã Xuân Hòa với đại diện Nhà máy Thủy điện Bắc Cuông và 25 hộ dân bị ảnh hưởng, đã đi đến thống nhất: Đối với diện tích đất trong phạm vi lòng hồ thuộc ranh giới Dự án đã được cắm mốc trên thực địa, Nhà máy Thủy điện Bắc Cuông có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án, làm việc trực tiếp với từng hộ để thống nhất, làm rõ khối lượng đã được bồi thường giải phóng mặt bằng (trường hợp đã được giải phóng mặt bằng thì giải thích, chứng minh cho người dân được biết), thời gian thực hiện trong tháng 8/2021.

Đối với diện tích đất đai, tài sản, hoa màu nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án bị ảnh hưởng, Nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ có đất, tài sản, hoa màu bị ảnh hưởng do dâng nước lòng hồ, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thống nhất phương án khắc phục cho người dân (nếu có), thời gian xong trước ngày 15/9/2021.

Tuy nhiên, sau mốc thời gian trên, Nhà máy Thủy điện Bắc Cuông không kiểm tra, giải quyết các nội dung như đã thống nhất. 25 hộ dân ở bản Đao đã làm đơn khởi kiện Nhà máy.

Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Đến thời điểm này, phía Công ty Cổ phần Năng lượng Phúc Thái (đơn vị chủ quản Nhà máy Thủy điện Bắc Cuông) chưa thực hiện việc thống kê, bồi thường cho người dân. Lý do được đưa ra là, phía doanh nghiệp không giữ hồ sơ giải phóng mặt bằng (do doanh nghiệp mua lại Nhà máy thủy điện chứ không thực hiện thi công từ đầu). Hiện tại, UBND huyện Bảo Yên đang chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tìm lại hồ sơ giải phóng mặt bằng của công trình này, để có căn cứ xác định mốc giới.

“Khi có được hồ sơ, chúng tôi sẽ căn cứ xác định nếu nước hồ thủy điện vượt quá mốc giới thì sẽ kiên quyết yêu cầu phía Nhà máy đền bù cho bà con. Kể cả nếu phía Nhà máy thủy điện không đền bù, khi bà con khởi kiện ra tòa thì cũng phải có hồ sơ giải phóng mặt bằng thì phía tòa án mới có căn cứ để giải quyết”, ông Hà nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.