Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư: Một đời say mê văn hóa Tày - Nùng

Lý Viết Trường - 10:08, 10/11/2020

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng hầu như tháng nào ông cũng thực hiện những chuyến khảo sát khắp các tỉnh Đông Bắc để sưu tầm tài liệu. Mỗi năm ông đều có sách xuất bản, đó là những công trình viết về văn hóa dân gian của các dân tộc Tày, Nùng, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư trong một chuyến khảo sát
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư trong một chuyến khảo sát

Hoàng Tuấn Cư (SN 1946) trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa ở Bản Nầng, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan (Lạng Sơn). Mẹ ông là một nghệ nhân then, uy tín nghề của bà nổi danh khắp vùng Văn Quan.

Từ khi mới lọt lòng, ông đã được tắm mình trong những lời ca mượt mà giàu hình ảnh từ người mẹ đã vun đắp nên một tâm hồn văn chương của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư. Đó cũng là cơ duyên để ông chọn khoa Ngữ văn -Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) để theo học với mong muốn sau này sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Tháng 10/1970, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Cử nhân Hoàng Tuấn Cư được cử về công tác tại Hội Văn nghệ Khu “Tự trị Việt Bắc, với vai trò phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Hoàng Tuấn Cư rời Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội công tác tại Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa Dân tộc với vai trò là biên tập viên, sau này là Trưởng ban Biên tập sách. Trong thời gian hơn 30 năm công tác tại NXB Văn hóa Dân tộc, ông đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với sự phát triển của NXB. Năm 2006, ông về hưu nhưng vẫn tiếp tục cộng tác đắc lực với NXB Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa các dân tộc...

Chia sẻ về nghề biên tập sách, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư cho rằng, công việc biên tập đã mang lại cho ông nhiều nguồn tri thức quý giá để ông được các tác phẩm như ngày hôm nay.

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư đã bắt tay vào sưu tầm kho tàng then để rồi năm 1994, cuốn sách đầu tiên mang tên “Then bách điểu” dày 327 trang được NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản, phát hành.

Đến nay nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư đã xuất bản vài chục đầu sách, tập trung vào chủ đề sưu tầm văn hóa Tày - Nùng như các làn điệu lượn, sli, then... Đáng chú ý, tác phẩm “Văn hóa dân gian làng bản Nầng” và “Văn hóa dân gian xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn” là 2 công trình để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất, vì đây là những tác phẩm ông viết về văn hóa quê hương mình. 

Hiện nay, dù tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng mỗi năm, ông vẫn thực hiện hàng chục chuyến điền dã sưu tầm tài liệu tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang…

Nhận xét về Hoàng Tuấn Cư, PGS.TS Vương Toàn, Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam cho rằng, Hoàng Tuấn Cư là người dễ chia sẻ và gần gũi. Sống đơn giản nhưng chặt chẽ trong công việc. Từ khi tham gia Chương trình Thái học Việt Nam, ông đã khơi dậy niềm tự hào của nhiều người để kéo họ cùng vào cuộc.

Với những cống hiến, đóng góp cho công tác nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tày- Nùng, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư đã nhận được trên 50 giải thưởng các loại, trong đó nhiều nhất là giải thưởng của của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.