Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Nhà nông làm giàu nhờ ứng dụng khoa học-kỹ thuật

PV - 11:19, 29/01/2019

Xã Đại Minh (Yên Bình, Yên Bái) nằm bên bờ sông Chảy, nổi tiếng với sản phẩm bưởi tiến vua. Theo lời kể của già làng thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, cây bưởi Tổ ở làng Khả Lĩnh đã có cách đây khoảng gần 300 năm, hiện tại xã Đại Minh còn một số cây bưởi cổ có tuổi đời khoảng trên 100 năm, năm nào cũng đơm hoa, kết trái.

Sản phẩm bưởi Đại Minh (Yên Bái). Sản phẩm bưởi Đại Minh (Yên Bái).

Đến thăm vườn bưởi của anh Tạ Hữu Tỉnh, thôn Quyết Tiến, một trong những người đi đầu thực hiện công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, để nâng cao năng suất vườn bưởi, anh Tỉnh luôn sát sao trong việc bón tổng hợp cân đối các loại phân, đặc biệt là việc dùng hoa bưởi chua thụ phấn cho hoa bưởi ngọt. Từ đó, năng suất cũng như chất lượng của bưởi được tăng lên. Đến nay, với vườn bưởi hơn 500 cây, trong đó có 300 cây đang cho thu hoạch, mang lại thu nhập hằng năm trên 500 triệu đồng cho gia đình anh Tỉnh.

Anh Tạ Hữu Tỉnh cho biết, để quảng bá rộng hơn sản phẩm của mình, anh còn sử dụng cả mạng xã hội, thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng ở xa. Đối với những khách hàng ở xa, mọi phương thức trao đổi thông tin sản phẩm, thanh toán đều được thực hiện qua internet.

Được biết, nhằm giúp người trồng bưởi xác định đúng tỷ lệ phân bón cho cây bưởi theo từng giai đoạn phát triển của cây, đồng thời kết hợp hiệu quả với kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và thụ phấn chéo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng bưởi đặc sản Đại Minh. Năm 2016, huyện Yên Bình đã phối hợp với Trường Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng bưởi Đại Minh”. Sau 3 năm thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Gia đình chị Bùi Thị Loan ở thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh có 40 cây bưởi tuổi đời từ 13 đến 15 năm. Xác định cây bưởi là cây kinh tế chủ lực của gia đình nên chị Loan luôn chú trọng khâu chăm bón cũng như áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo để tăng tỷ lệ đậu quả cho cây, thực hiện bón phân sau mỗi đợt thu hoạch quả để cây phục hồi.

Từ năm 2016, chị Loan đã được các nhà khoa học của Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội (Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên) hướng dẫn kỹ thuật tính tỷ lệ bón phân theo tuổi thọ của từng cây nên vườn bưởi nhà chị phát triển tốt. Sau 3 năm thử nghiệm, chất lượng trái bưởi tăng lên rõ rệt: nhiều nước, vị ngọt đậm, múi mọng, vỏ mịn đẹp hơn. Tỷ lệ bưởi loại một đạt khoảng trên 70%.

Toàn xã Đại Minh hiện có trên 200 ha diện tích bưởi Đại Minh, với thu nhập đem lại lên tới gần 50 tỷ đồng. Diện tích bưởi được trồng ở 14/15 thôn của xã, xã có 900 hộ gia đình thì có trên 80% người dân trồng bưởi. Nhờ bưởi mà xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016. Hiện, xã tiếp tục được UBND tỉnh Yên Bái chọn là 1 trong 5 xã xây dựng nông thôn kiểu mẫu của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, bưởi Đại Minh là cây trồng có thế mạnh của xã, nhờ vậy mà sau 5 năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20% xuống còn 5%. Trong thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng quy mô và tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng 20ha vườn kiểu mẫu.

HOÀNG QUÝ