Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nhà sàn dài của người Gia Rai

KSOR NAM - 10:12, 05/10/2020

Krông Pa là huyện nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai. Vùng đất này là cái nôi văn hóa của người Gia Rai xưa, là nơi còn lưu giữ kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú. Trong đó, có văn hóa vật thể, thể hiện qua những nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Gia Rai.

Nhà sàn dài của đồng bào Gia Rai ở Krông Pa. Ảnh: Ksor Nam
Nhà sàn dài của đồng bào Gia Rai ở Krông Pa. Ảnh: Ksor Nam

Nhà sàn dài là kiến trúc độc đáo của người Gia Rai, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong đại gia đình, đó cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Người Gia Rai ở Krông Pa và vùng Cheo Reo cũ (AyunPa, Ia Pa và Phú Thiện) đều không có nhà rông như người Gia Rai ở TP. Pleiku. Mọi sinh hoạt cộng đồng được tổ chức tại một gian khách trong nhà sàn dài của chủ làng.

Nhà sàn dài được người Gia Rai làm bằng vật liệu, chủ yếu như: Gỗ làm cột nhà; tranh hoặc tấm tôn làm mái; tre nứa, lồ ô đập dập hoặc ván gỗ xẻ làm vách tường; tre nứa, lồ ô đập dập hoặc ván gỗ xẻ để lót sàn nhà.

Người Gia Rai làm nhà sàn dài theo hướng Bắc Nam. Mỗi căn nhà sàn dài có chiều dài khoảng từ 20 - 50m, chiều rộng 4 - 5m. Kết cấu nhà sàn dài khá đơn giản, gồm hai dãy cột được chôn xuống đất, gắn kết với nhau bằng các xà ngang, không cần đục lỗ mà dùng dây buộc các mối tiếp xúc. Nhà sàn dài có hai cửa: Cửa chính và cửa phụ. Cánh cửa chính và cửa phụ làm bằng tấm phên lồ ô hoặc tấm ván gỗ. Trước cửa chính và sau cửa phụ có làm sàn bằng tre nứa, lồ ô đập dập hoặc ván gỗ, không có mái che.

Nhà sàn dài thường có 3 - 4 cửa sổ, nhưng với riêng gian khách là 2 cửa sổ, làm đối diện với nhau. Có hai cầu thang, một cầu thang chính đặt ở khoảng giữa của ngôi nhà dành cho mọi người trong gia đình và khách, cầu thang phụ đặt ở đầu hồi phía Nam. Những bậc cầu thang của người Gia Rai thường làm số lẻ, bởi theo quan niệm của người Gia Rai, những bậc thang số chẵn là dành cho ma quỷ. Ở đầu cầu thang, người Gia Rai khắc nổi lên đó những con vật quen thuộc như con rùa, hay đôi núm vú hoặc là hình trăng khuyết. Sàn nhà thường cách mặt đất khoảng từ 1 - 2m.

Không gian nhà sàn dài của người Gia Rai chạy theo chiều dọc. Nhà thường làm ba gian chính: Gian khách, gian ngủ và gian bếp. Gian khách cũng chính là gian trung tâm của ngôi nhà, là nơi sinh hoạt của gia đình, tiếp khách và nơi tổ chức các lễ cúng theo luật tục. Cũng là nơi để các loại ché, cồng chiêng của gia đình.

Ở gian khách cũng có một bếp lửa như ở gian bếp, dành cho khách và tổ chức lễ cúng trong nhà. Nhà nào có điều kiện hoặc nhiều thành viên thì sẽ nối thêm các gian nhà.

Theo như lời kể của già làng, sau khi làm xong ngôi nhà, người Gia Rai tiến hành tổ chức lễ mừng nhà mới. Lễ vật dâng cúng có heo và rượu cần, số lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Lễ mừng nhà mới được tổ chức với ý nghĩa để cầu mong thần nhà, thần gỗ, thần tre nứa che chở, bảo vệ người thân trong gia đình luôn mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Sau đó, những người dân trong làng sẽ qua chúc mừng, chung vui.

Hiện nay, do bị ảnh hưởng từ sự phát triển của xã hội, đồng bào Gia Rai ngày càng chuộng làm nhà theo hướng hiện đại như nhà sàn kiểu mái thái, nhà xây… Nhà sàn dài truyền thống giờ chỉ còn lác đác ở một vài xã.

Thiết nghĩ, chính quyền và ngành Văn hóa cần sớm có những chính sách, đề án phục dựng, bảo tồn nhà sàn dài truyền thống của người Gia Rai nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của đồng bào, từ đó để phát triển du lịch của địa phương. 

Người Gia Rai tiến hành tổ chức lễ mừng nhà mới. Lễ vật dâng cúng có heo và rượu cần, số lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Lễ mừng nhà mới được tổ chức với ý nghĩa để cầu mong thần nhà, thần gỗ, thần tre nứa che chở, bảo vệ người thân trong gia đình luôn mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Sau đó, những người dân trong làng sẽ qua chúc mừng, chung vui.”

Theo như lời kể của già làng


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.