Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Cao Lan giữ nếp nhà truyền thống

Văn Hoa - 09:43, 28/08/2020

Đến với thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), bên cạnh những ngôi nhà cao tầng hiện đại, chúng tôi ấn tượng bởi những nếp nhà sàn truyền thống của người dân. Tiếp cận cái mới nhưng không bỏ quên cái cũ, đó là bản lĩnh văn hóa đáng quý của người Cao Lan.

Nếp nhà sàn truyền thống của người Cao Lan
Nếp nhà sàn truyền thống của người Cao Lan

Cách thị trấn Lập Thạch hơn 10km, chúng tôi tới xã Quang Yên, nhìn từ xa, những mái nhà sàn thấp thoáng bên những bóng cây lớn. Vào sâu trong thôn Xóm Mới là cả một không gian văn hóa Cao Lan với những nét đẹp truyền thống pha lẫn hiện đại.

Chúng tôi đến thăm nhà Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Giang Lâm ở trong thôn. Biết chúng tôi tò mò về ngôi nhà, ông dẫn chúng tôi đi một vòng và giới thiệu: “Ngôi nhà này được làm từ năm 1990, giờ tôi vẫn ngủ nhà sàn này, còn nhà xây bên cạnh cho các cháu ở”. Nhà được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ, sàn nhà được lát bằng tre nên nhìn xuyên xuống nền đất, xung quanh có các ô cửa sổ gió lùa vào rất mát.

Đưa mắt nhìn xung quanh tôi thấy, hầu như quanh đây nhà nào cũng có nhà xây kiên cố nhưng vẫn giữ ngôi nhà sàn bên cạnh. Thấy tôi tò mò, ông Lâm chia sẻ: “Ở đây còn nhiều nhà sàn lắm, nhiều gia đình có điều kiện xây nhà mới kiên cố, nhưng những ngôi nhà sàn không vì thế mà bị bỏ đi, trái lại, nó còn nguyên công năng”.

Nói xong, ông uống một ngụm trà và chỉ vào bếp lửa: “Dù nhà ai xây nhà cao tầng, nhưng bếp lửa vẫn giữ vị trí quan trọng trong mỗi gia đình. Nhiều nhà vẫn nấu ăn ở đây, vẫn ngủ tại nhà sàn. Đặc biệt, bếp lửa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Cao Lan: những đứa trẻ đầy tháng vẫn cúng tại bếp này; khi dâu về nhà vẫn nhập khẩu tại bếp lửa…”.

Hướng nhà người Cao Lan cũng có nhiều điều độc đáo, với người Kinh và nhiều dân tộc khác thường thích làm nhà hướng Nam, chỉ cần nhìn hướng nhà người Cao Lan có thể đoán được họ, như họ Hoàng làm nhà theo hướng Tây Nam, họ Trần hướng Đông Bắc, họ Đào hướng Đông...

Người Cao Lan xưa thường làm nhà sàn 5 đến 7 gian, bố mẹ và các con đều ở chung. Thời gian gần đây, phong tục ấy không còn nữa, bố mẹ thường làm các gian nhà sàn riêng nhưng diện tích nhỏ hơn cho các con.

Với nhiều người cao niên, nhà sàn vẫn gần gũi và mộc mạc, đó là nơi họ được sinh ra và lớn lên; được nuôi nấng trong tình yêu thương, trong cái nôi văn hóa đầy sắc màu; nơi mà họ được nghe tiếng hát sình ca truyền thống nên họ coi nhà sàn như linh hồn vậy, họ gìn giữ và coi đó là báu vật vô giá.

Nhà sàn người Cao Lan xây dựng trên chất liệu mới
Nhà sàn người Cao Lan xây dựng trên chất liệu mới

Hiện nay, trong thôn Xóm Mới chỉ còn khoảng 50% người dân giữ lại nhà truyền thống. Cuộc sống người Cao Lan có nhiều thay đổi, ngày càng phát triển và tiến bộ, sự giao thoa văn hóa là một điều tất yếu. Ngôi nhà sàn của người Cao Lan cũng ít nhiều có những biến đổi do ảnh hưởng từ bên ngoài như: Cầu thang, cột nhà, vách nhà được xây dựng bằng bê tông. Các vật dụng dùng trong sinh hoạt đã có nhiều tiện nghi và hiện đại hơn. Nhưng về kết cấu nhà sàn vẫn mang dáng dấp của một ngôi nhà truyền thống.

Một điều đáng mừng là lớp người trẻ tuổi có ý thức về giá trị của nhà sàn, họ xây nhà mới bên cạnh nhà sàn cũ, mọi sinh hoạt đời thường thì ở nhà mới, còn sinh hoạt tâm linh thì vẫn ở nhà sàn. Điều đó cho thấy, những nếp nhà sàn là một minh chứng rõ nét cho sức sống lâu bền của văn hóa người Cao Lan.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng văn hóa dân gian

Kon Tum: Bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng văn hóa dân gian

Kon Tum vùng đa dạng và phong phú về bản sắc văn hóa, với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, có 7 DTTS tại chỗ gồm: Ba Na, Xơ Đăng, Gié Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm, Hrê. Cộng đồng các DTTS tại chỗ trên địa bàn đang sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, sinh động…