Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Nhà thơ trẻ dân tộc Tày Trịnh Thứ- Chậm rãi giữa dòng đời vội vã...

Giang Lam - 10:19, 08/07/2022

Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, tác giả trẻ Trịnh Thứ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang đã chọn cho mình lối đi lặng lẽ với câu chữ thấm đẫm sự hồn hậu, nguyên sơ của tình người miền núi. Cảm xúc quê hương, nguồn cội luôn là một mạch ngầm trong trẻo chảy vào các thi phẩm của cô gái Tày 9X. Những vần thơ ấy như cơn gió tưới mát tâm hồn người con xa quê và nhẹ nhàng “neo đậu” vào lòng độc giả.

Chân dung nhà thơ Trịnh Thứ
Nhà thơ Trịnh Thứ

Từ những yêu thương trong tiềm thức

Không hiểu sao mỗi khi nhìn Trịnh Thứ từ xa, rồi ngắm cô gái người Tày đó qua những bức ảnh trên facebook, tôi luôn có một cảm giác gần gũi bởi vẻ chất phác, hồn hậu của chị. Thứ là một người trẻ sống chậm giữa chốn phố thị và nhịp sống hiện đại ngày nay. Hẳn nhiên vì thế mà mọi rung cảm giữa cuộc đời qua lăng kính của Thứ đều di chuyển chầm chậm, nhẹ nhàng và từ tốn. Điều khá thú vị là khi tiếp xúc, Thứ mang đến cho người đối diện một thứ năng lượng tích cực của một người trẻ sống khá giản đơn, tươi vui. Vậy mà khi bước vào những trang thơ, không gian thi ca được phủ màu xúc cảm của nỗi nhớ nhung, day dứt, tha thiết… Tất cả khiến độc giả bị cuốn vào, khó có thể thoát ra được! 

Trịnh Thứ sinh ra trong gia đình người Tày ở bản Nà Thiếm, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Tuổi thơ mồ côi cha, chứng kiến sự lam lũ vất vả của mẹ, lúc đó Thứ mới chỉ tròn 6 tuổi. Những năm tháng vất vả, người mẹ trẻ ngược xuôi làm lụng mong cho các con khôn lớn trưởng thành.

 Ngày bước chân đi dự thi đại học, Thứ òa khóc ngay đầu ngõ khi vừa hay tin mẹ đã rời quê hương đi làm thuê ở miền Nam để có tiền cho Thứ trang trải thi cử. Mẹ đặt trọn niềm tin nơi cô con gái bé bỏng, mẹ cũng hy vọng công việc ở miền đất hứa của mẹ sẽ giúp Thứ toại nguyện ước mơ. Và, Thứ đỗ Đại học!

Những đồng tiền mẹ gửi, Thứ nâng niu trân trọng và luôn dặn lòng phải cố gắng rất nhiều để không phụ lòng mẹ. Có những lúc trong đêm tối, trong khu nhà trọ vắng lặng nơi đất khách, Thứ ngồi chênh vênh ngoài hiên ôm nỗi nhớ, day dứt vì thương mẹ, nhớ mẹ đến vô cùng! Hai mẹ con biền biệt, kẻ Bắc, người Nam, công việc mẹ làm ở khu vườn đồi hẻo lánh, muốn nghe điện thoại, cuối tuần mẹ phải nhờ người đèo ra trung tâm xã để được trò chuyện cùng con.

Thứ xa mẹ, xa quê trong nỗi quay quắt nhớ mong. Đó như là mạch nguồn để cô sinh viên 20 tuổi bắt đầu cầm bút viết thơ. Và thơ đối với Thứ không phải là điều gì đó quá cao siêu hay xa vời thực tại mà là dòng chảy cảm xúc chân thực nhất về sự gần gũi, yêu thương đến trong tiềm thức: mẹ và quê hương!

...Đến một giọng thơ lạ

Ngay từ khi bước vào thi đàn, Trịnh Thứ hiện diện là cây bút trẻ của những tâm tình miền núi. Thơ của chị mộc mạc mà sâu lắng, thâm trầm mà sâu sắc. Đằng sau những điều giản dị ấy, bao giờ độc giả cũng “cảm” được một tâm hồn cảm xúc về mẹ và quê hương. 

Độc giả nhận thấy trong thơ chị một không gian miền núi quen thuộc bủa vây, giăng mắc tạo nên câu chữ khác lạ: “Nghe suối chảy vào đêm/ Ru khúc ruột rừng già.../ Con chạy men mùa nhớ/ Tìm dòng tuổi trong con/ Ru đời mình vội vã/ Ngày nứt nẻ trên mi” (Lửa ấm lòng con). Thứ trở về với nguồn cội bằng những hình ảnh quen thuộc, người đọc thấy nữ tác giả nhập thân vào rừng, suối, nhà sàn… Đó là hình tượng nghệ thuật đặc trưng trở đi trở lại nhiều lần trong thơ chị.

Nữ thi sỹ Trịnh Thứ (ngoài cùng bên trái) trao đổi kinh nghiệm sáng tác cùng các bạn văn chương
Nữ thi sỹ Trịnh Thứ (ngoài cùng bên trái) trao đổi kinh nghiệm sáng tác cùng các bạn văn chương

Có thể nhận thấy núi rừng, dòng suối trong thơ Trịnh Thứ mang vẻ đẹp hoang sơ dịu nhẹ, tinh tế. Tất cả được khúc xạ qua lăng kính dịu buồn, đầy hoài niệm: “Mạch đời con chảy từ rừng núi/ Ước mơ nở ra từ mẹ/ Muôn nẻo dặm đường còn vương vía bản, nhà sàn” (Ký ức quê).

Trịnh Thứ luôn cố gắng tìm cách phô diễn xúc cảm của mình bằng những cách viết mới. Thứ tìm cho mình một lối viết tự do phóng khoáng không lệ thuộc câu chữ, vần điệu. Đó là sự giải tỏa dòng chảy cảm xúc, để trải lòng trên trang giấy một cách tự nhiên: “Sương bạc núi/Hoa mùa ủ rũ chờ xuân”; “Bản vắng tràn heo may/Buốt rì rào ngực đá”. Hình tượng thiên nhiên hiện hữu đầy cá tính sáng tạo của một nhà thơ trẻ.

Nữ tác giả trẻ có nhiều câu thơ thấm đẫm tình cảm yêu thương, xa xót tới đắng đót khi viết về mẹ kính yêu của mình. Tuổi thơ mồ côi cha, chứng kiến sự hy sinh vất vả của mẹ, Thứ viết như để trải lòng, để đong đếm những mất mát: “Rừng khóc trắng mấy mùa lau/Bố con không về/Mẹ mòn mắt chiều ngóng đợi/Bậc cầu thang rầu rĩ/Thương góa phụ/Mẹ là bông lau/Sợ gặp ngày nổi gió/Trắng những mùa đau” (Mùa lau trắng).

Đọc thơ Trịnh Thứ ta như hình dung ra một người con nơi xa, đêm khuya thanh vắng thao thức nhớ mẹ. Những dòng thơ như lời giãi bày, thương mẹ, hiểu mẹ, yêu mẹ đến vô cùng: “Từ ngày không có cha bên cạnh/ Mẹ con như cây rừng vươn trước bão/ Vắt sức mình để nuôi lớn chúng con/ Phía núi mùa lau trắng cứ thế nối nhau/Cha ơi có thấu suốt nghìn đêm đau đáu/ Nỗi cô đơn già trên mái đầu pha sợi bạc” (Khói chiều quê hương).

Hình tượng người mẹ Tày hy sinh tuổi xuân, tần tảo làm lụng, yêu thương và thầm lặng chờ đợi con cái trưởng thành được khắc họa đậm nét: “Mùa lật mình sang đông/ Bàn chân mẹ nứt như chỉ rối/ Cặm cụi với đồng/ Sương sớm ngập thung” (Dáng mẹ). Mẹ hiện hữu trong thơ chị với đường nét, dáng hình, những việc làm hết sức cụ thể sinh động: “Con chưa bao giờ lớn cả/ Đi làm mẹ đùm nào chuối, nào xôi/ Nào cá, nào rau và từng cân gạo/ Sợ con gầy ốm…” (Xa quê).

Những câu thơ cảm động về mẹ được viết trong khắc khoải nỗi nhớ thương có phần day dứt của một đứa con xa, lớn khôn rời vòng tay mẹ: “Con gánh mùa xuống phố/ Hoa tràm đỏ mắt canh thâu/ Nhớ bếp lửa nhà sàn/ Mẹ vò võ cời đêm/ Ngóng thương con đến gầy guộc” (Vía thổ cẩm). Đọc những câu thơ này, ta tưởng như thấy được đôi mắt của tác giả đang dõi theo từng bước chân, từng sợi tóc đang bạc dần của mẹ… ở quê nhà. Thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, cảm xúc liên tục bị dồn nén qua cách dùng từ, ngắt nhịp mới lạ.

Trong sự vội vã của phố phường, đọc thơ Trịnh Thứ ta như lòng chậm lại. Nghe một nỗi buồn rất êm mà hoang hoải, câu chữ rất buông, rất nhẹ. Chắc hẳn phải sống đắm mình, sống hết mình với bản làng, với núi rừng quê hương mới có được sự nhập thân như thế. Và đó như là mạch ngầm trong trẻo, róc rách chảy để ngày đêm thao thức nhớ về: “Đôi khi… nỗi nhớ không là nỗi nhớ/ Cứ vậy thôi ngày nào cũng muốn trở về”.

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Đích đến cuối cùng của di sản (Bài 3)

Trăn trở về một miền di sản: Đích đến cuối cùng của di sản (Bài 3)

Phải thừa nhận rằng, việc bảo vệ di sản là điều vô cùng khó khăn, bởi không chỉ thiếu kinh phí mà con người và công nghệ cũng đang là hai vấn đề rất đau đầu. Nhưng, câu chuyện di sản sống lại, trở thành nguồn tư liệu, tài nguyên… phục vụ cuộc sống của con người, chính là đích đến cuối cùng của quá trình phục dựng, bảo vệ di sản.