Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Điều ít người biết ở một số tác phẩm nổi tiếng về Tây Bắc

Huỳnh Dũng Nhân - 10:44, 04/05/2021

Trong các tác phẩm ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ, có hai tác phẩm nổi tiếng, đó là bài "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" dài 98 câu của nhà thơ Tố Hữu, được viết sau chiến thắng Điện Biên (5/1954) và tác phẩm "Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ", do nhà điêu khắc Nguyễn Hải sáng tác năm 1963, hoàn thành năm 1964

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bài hát "Đường lên Tây Bắc" suýt bị... cháy

Có một bài hát ra đời trước chiến dịch Điện Biên Phủ, được bộ đội ta hát vang trên các đường hành quân, đó là bài ca "Đường lên Tây Bắc" của nhạc sĩ Nguyễn Thành sáng tác năm 1951, khi đó là chiến sĩ tham gia chiến dịch Đông - Xuân. Ngày 17/4, tại TP. Điện Biên, nguyên ca sĩ Quỳnh Hợp của Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Phòng không Không quân - nay là BTV văn nghệ Đài TNND TP. Hồ Chí Minh có kể: Bài hát này nhạc sĩ Nguyễn Thành sáng tác trong một đêm quây quần cùng đồng đội bên bếp lửa. Nhưng hát đi hát lại thấy... "chán quá", đã vứt bài hát bên bếp.

Sáng hôm sau ông thấy bài hát chưa bị lửa bén vào (có lẽ vì tối ấy mưa) liền lấy ra xem và hát lại thì thấy hay hay, bèn đem ra tập. Thế là giai điệu hào hùng của bài hát theo chân các chiến sĩ trên đường hành quân từ Hòa Bình lên Tây Bắc và hát trong các buổi sinh hoạt đơn vị và nay đã được coi là bài hát truyền thống của các đơn vị vùng Tây Bắc: "Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua, bộ đội ta vâng lệnh Cha già, về đây giải phóng quê nhà...".

Sau chiến thắng Điện Biên, người lính Nguyễn Thành vào học Nhạc viện và ông có một sáng tác nổi tiếng nữa là bài "Cảm xúc tháng 10": "Không thể nói trời không xanh hơn và mắt em xanh khác ngày thường, khi đoàn quân kéo về mùa Thu ấy, nhịp trống rung 36 phố phường”...

Điều ít người biết ở một số tác phẩm nổi tiếng về Tây Bắc 1

Hai tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng về Điện Biên... chưa đến Điện Biên

Trong các tác phẩm ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ, có hai tác phẩm nổi tiếng, đó là bài "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" dài 98 câu của nhà thơ Tố Hữu, được viết sau chiến thắng Điện Biên (5/1954) và tác phẩm "Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ", do nhà điêu khắc Nguyễn Hải sáng tác năm 1963, hoàn thành năm 1964. Một điều trùng hợp thú vị là, cả hai tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng ca ngợi chiến thắng Điện Biên này đều... chưa đến Điện Biên.

Theo nhà thơ, nhà văn Trần Đăng Khoa, thì khi anh phỏng vấn nhà thơ Tố Hữu về trường hợp ra đời của bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ Tố Hữu đã cười nói: "Thú thật, tớ chưa đến mặt trận Điện Biên. Khi tin chiến thắng dồn dập bay về, tớ nhiều cảm xúc quá mà viết ra bài thơ đó".

Chưa đến Điện Biên trong thời điểm đó, nhưng nhà thơ Tố Hữu đã thu thập được nhiều tin tức qua các báo cáo chiến sự, qua các cuộc họp của các cấp lãnh đạo chỉ huy và dõi theo bản đồ mặt trận, ông đã để lại một bài thơ có thể gọi là hay nhất về chiến dịch Điện Biên, nhất là đoạn "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Chiến sĩ anh hùng, đầu nung lửa sắt..." cho đến đoạn "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng..." đã được đưa vào sách giáo khoa và lớp lớp thế hệ học sinh đã thuộc lòng và là hành trang cho bao thế hệ lên đường đánh giặc.

Còn về tác giả Nguyễn Hải cũng vậy. Ông sinh năm 1933 ở Tiền Giang, tham gia bộ đội và trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn 307 nổi tiếng. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, khoa Điêu khắc và có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông đã kể với nhà báo Đoàn Hoài Trung - Báo Phòng không Không quân: "Tôi chưa một lần đến Điện Biên, nhưng âm vang chiến thắng Điện Biên được thấm sâu qua các bài hát lúc bấy giờ đã thôi thúc tôi sáng tác cụm tượng đài chiến thắng Điện Biên. Tượng đài hoàn thành xong cũng chỉ để trong nhà. Khi biết tin tượng đài chiến thắng Điện Biên của tôi được chọn để đặt trên đồi D1 trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi vô cùng hạnh phúc. Nhưng vì sức khoẻ không cho phép nên vẫn chưa thể đi Điện Biên nên tôi phải theo dõi Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên qua màn ảnh nhỏ"... Nhưng dù sao đó cũng là món quà của người con Nam Bộ gửi tới đồng bào Điện Biên...

Ruộng bậc thang – hình ảnh đặc trưng của vùng núi phía Bắc
Ruộng bậc thang – hình ảnh đặc trưng của vùng núi phía Bắc

Bài thơ được coi là hay nhất về Lai Châu

Đến năm 1981, có một bài thơ được bạn đọc Lai Châu cùng ca ngợi là bài thơ hay nhất Lai Châu (lúc đó chưa tách Lai Châu và Điện Biên). Đó là bài thơ "Gửi Lai Châu" của nhà thơ Trần Mạnh Hảo ở TP. Hồ Chí Minh. Theo anh Hoàng Văn Thành, Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ, thì nhà thơ Trần Mạnh Hảo đi thực tế Lai Châu vào năm 1981, tưởng chỉ vài ngày, nào ngờ say cảnh, say người, anh ở liền... 3 tháng. Trong ngày cuối cùng liên hoan chia tay với Lai Châu bên bếp lửa, anh mới viết vội bài thơ này tặng lại cho Lai Châu. Bài thơ viết tay nguệch ngoạc, không có bản thứ hai, trong một cảm xúc thăng hoa tột đỉnh ấy được in trên Báo Văn Nghệ Lai Châu sau đó, còn tác giả thì không có bản nào. Khi anh em ở Tây Bắc vào TP. Hồ Chí Minh thăm anh thì anh mới mừng đến phát khóc" khi được đọc lại bài thơ trong cơn say cảnh say người bên bếp lửa Tây Bắc 20 năm trước. Bài thơ "Gửi Lai Châu" có những câu mà người Lai Châu và Điện Biên hôm nay còn nhớ mãi: Trái tim đập không một ai nhìn thấy/Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu/Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu...

Và rất nhiều câu hay như "Thị xã nhỏ như cúc áo cài trên ngực đất nước" hoặc "Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình" và "Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt"... Nhưng có lẽ hai câu thành công nhất, khái quát nhất về Lai Châu đầy huyền thoại và anh dũng ấy là "Anh đi tìm nước mắt gặp lời ca" và "Điện Biên của mọi người, dành riêng em điệu múa./ Những đời thường nhập lại hoá Nhân dân".

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.