Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nhà truyền thống các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ: Chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả

Thanh Hải - 10:30, 19/08/2020

Thiếu kinh phí, thiếu kiến thức chuyên môn trong bài trí, sưu tầm hiện vật hạn chế, các hạng mục phụ trợ đi kèm chưa có… đang là những bất cập dẫn tới thiết chế Nhà truyền thống các dân tộc (NTTCDT) ở miền Tây xứ Nghệ (Nghệ An) gặp khó khăn. Vì những nguyên nhân này, việc quảng bá văn hóa truyền thống của các dân tộc chưa phát huy hiệu quả.

Một số tranh, ảnh trong Nhà truyền thống huyện Quế Phong
Một số tranh, ảnh trong Nhà truyền thống huyện Quế Phong

Vừa thừa, vừa thiếu

Quỳ Châu là huyện duy nhất ở Nghệ An đã xây dựng Bảo tàng các dân tộc. Dù sở hữu 922 hiện vật, nhưng cách bài trí trong Bảo tàng đã lỗi thời. Mặt khác, Bảo tàng xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục như cầu thang, vách gỗ, sàn nhà… đã bị mối mọt. Nhiều hiện vật bằng gỗ, vải đã có dấu hiệu hư hỏng qua thời gian. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc ở Quỳ Châu.

Bà Lê Thị Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quỳ Châu thừa nhận: Việc trưng bày Nhà truyền thống chưa bài bản, sưu tầm chưa tốt nên hiện vật ít, kém đa dạng, thiếu hấp dẫn. Cùng với đó, công tác quảng bá chưa tốt, hiện vật đơn điệu nên số lượng người thăm quan chưa nhiều.

Còn tại huyện Quế Phong, NTTCDT được xây dựng hoành tráng trong khuôn viên Huyện ủy. Ngoài ngôi nhà sàn bằng gỗ 3 gian, 2 hồi với cầu thang uốn cong đi lên, còn được lắp thêm mái tôn xung quanh để vừa bảo vệ gỗ, vừa tạo thêm không gian thoáng mát. Tuy nhiên, khi đặt chân vào bên trong, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng bởi hiện vật được bài trí quá sơ sài. Tranh ảnh, mâm tre đan, chõ hông xôi… phủ từng mảng bụi.

Trong khi đó, tại một số huyện như Tân Kỳ, Con Cuông vẫn chưa xây dựng được NTTCDT. Ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông trăn trở, nếu làm được NTTCDT thì việc quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của các dân tộc sẽ thuận lợi hơn.

Nhà bảo tàng các dân tộc huyện Quỳ Châu
Nhà bảo tàng các dân tộc huyện Quỳ Châu

Đâu là giải pháp?

Nằm trong lộ trình nâng cao hiệu quả hoạt động NTTCDT, nhiều địa phương đã mời chuyên gia bài trí lại các hiện vật; thuê tư vấn khảo sát, thiết kế các hạng mục phụ trợ xung quanh nhà truyền thống hoặc kêu gọi, huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng nhà truyền thống… Bà Vi Thị Thuận, cán bộ phụ trách Bảo tàng các dân tộc Quỳ Châu cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quan tâm, hỗ trợ huyện trong việc sắp xếp lại hiện vật trưng bày; đồng thời sửa chữa lại những hạng mục hư hỏng, xuống cấp trong Bảo tàng.

Riêng huyện Con Cuông, để gìn giữ và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc, từ năm 2016, huyện đã đề xuất xây dựng Bảo tàng các dân tộc khu vực Tây Nam tỉnh Nghệ An nhưng chưa được tỉnh phê duyệt. Hiện tại, huyện đang nâng cấp, cải tạo nhà cụ Vi Văn Khang, Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ở bản Thái Hòa, xã Môn Sơn, dành riêng 1 phòng để trưng bày hiện vật các dân tộc. Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho hay: Để hiện vật trưng bày đúng, đủ, hấp dẫn, huyện đã mời cán bộ Bảo tàng Dân tộc học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tư vấn thêm. Về lâu dài, chúng tôi sẽ quy hoạch NTTCDT, cùng các công trình phụ trợ tại trung tâm huyện để thuận lợi cho việc thăm quan, tìm hiểu.

Rõ ràng, để phát huy hiệu quả các Nhà truyền thống rất cần sự chung tay của các cấp quản lý và các tổ chức nhằm phát huy tối đa công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người dân.