Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tàng Nông nghiệp tại Vĩnh Long: Địa chỉ bảo tồn nền văn hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL

Hạnh Nguyên - 11:29, 09/06/2020

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với quy mô 400 tỷ đồng. Đây được kỳ vọng sẽ là một địa chỉ phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hóa của công chúng và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL - nơi hội tụ văn hóa của các dân tộc anh em chung dòng Mê Kông huyền thoại.

ĐBSCL nơi hội tụ của nền văn hóa lúa nước
ĐBSCL nơi hội tụ của nền văn hóa lúa nước

Theo quyết định phê quyệt, Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được xây dựng trên diện tích hơn 11ha, chia thành 4 khu chính, gồm: Khu phục vụ cho trưng bày và hành chính, khu tái hiện làng quê Nam Bộ xưa, khu tổ chức sự kiện và khu các công trình phụ trợ. Dự kiến bảo tàng được đưa vào khai thác vào năm 2027.

Rất nhiều người ủng hộ quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long vì trước giờ, khu vực ĐBSCL, nơi có gần 18 triệu dân, trong đó đa phần sống bằng nghề nông, chưa có bảo tàng cho cả ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chưa cần thiết xây dựng bào tàng lớn như vậy, và Vĩnh Long cũng không phải là tỉnh trung tâm của khu vực.

Trước băn khoăn của dư luận, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của bà con nông dân; đồng thời, phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng nên người dân sẽ được hưởng lợi.

“Hơn nữa, lúc cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt còn sống đã tặng cho tỉnh Vĩnh Long một số công cụ nông nghiệp thời xưa, nên khi dự án này hoàn thành, những món quà ý nghĩa ấy sẽ được trưng bày trang trọng trong khu bảo tàng cho người dân và khách du lịch đến chiêm ngưỡng”, ông Ngời cho biết.

GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, ông rất ủng hộ dự án này, vì đó là mong mỏi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bảo tàng này là cần thiết và trước sau gì cũng phải làm.

“Lúc đầu, tôi cũng trăn trở, trong lúc dịch Covid-19 mà làm dự án hàng trăm tỷ đồng thì không nên. Đến khi tiếp cận tài liệu thì giai đoạn 1 này (đến hết năm 2021) chỉ hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý thôi, tiếp theo giai đoạn 2 (2022 - 2026) là sưu tầm, thiết kế và thi công cơ sở hạ tầng. Làm gì cũng có sự chuẩn bị và có thời gian, nên đề án thành lập lúc này không ảnh hưởng đến bài toán kinh tế do thiệt hại bởi dịch Covid-19”, GS.TS. Võ Tòng Xuân khẳng định.

Các hiện vật về nông nghiệp được trưng bày tại bảo tàng Vũng Liêm
Các hiện vật về nông nghiệp được trưng bày tại bảo tàng Vũng Liêm

Được biết, năm 2014, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long thống nhất chủ trương xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp lúa nước quy mô cấp vùng ĐBSCL, đặt tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, gần khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm 2017, tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất ý tưởng xây dựng bảo tàng, gắn với dự án khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Bảo tàng Nông nghiệp thuộc danh mục dự án Trung ương ưu tiên đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn hướng dẫn tỉnh Vĩnh Long triển khai xây dựng đề án.

“UBND tỉnh đã tiến hành xây dựng đề án với sự tư vấn của Trường Đại học Cần Thơ. Trong quá trình thực hiện, tỉnh nhiều lần tổ chức hội thảo, hội nghị và có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Qua đó, ghi nhận Đề án Bảo tàng nông nghiệp nhận được sự đồng thuận, thống nhất của các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trong khu vực về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và địa điểm xây dựng Bảo tàng trong thời gian sắp tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.