Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Nhạc sĩ Trầm Tích và nỗi trăn trở “Hồn Buôn"

Lê Vũ - 14:53, 30/11/2021

Là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đạt nhiều giải thưởng âm nhạc, thành danh tại Huế, nhưng nhạc sĩ Trầm Tích luôn cảm thấy mình nặng nợ với mảnh đất Đắk Lắk, với buôn Tuôr, nơi anh đã gắn bó cả tuổi thơ và thời niên thiếu. Để rồi từ đó, trong những ca khúc, trong những bước đường hoạt động âm nhạc của anh, đâu đâu cũng có bóng dáng của cao nguyên, của đại ngàn…

Nhạc sĩ Trầm Tích, người say viết nhạc về đại ngàn
Nhạc sĩ Trầm Tích, người say viết nhạc về đại ngàn

Gã lãng du ôm đàn xuống phố, “đãi nhạc tìm trầm…”

Nhạc sĩ Trầm Tích sinh ra tại Huế, nhưng lớn lên tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió cùng những chuỗi ngày vào rừng săn bắt, hái lượm, đắm mình với những dòng suối mát thiên nhiên, trưởng thành qua những âm điệu dân ca mộc mạc, trong tiếng cồng chiêng đã nuôi dưỡng tâm hồn chàng trai Nguyễn Công Tích (tên thật của nhạc sĩ Trầm Tích), để từ đó xuất hiện một gã lãng du, đi khắp các vùng cao, vùng sâu, vùng xa và viết nên những bản tình ca. Nhưng không phải thứ tình ca nam nữ đơn thuần, mà là những bản tình ca dân tộc, những khúc hát về quê hương, về cội nguồn văn hóa, về những điều mà nếu người ta không kịp thời giữ gìn, trân trọng, thì sẽ sớm mất đi, hoặc chìm dần theo lớp trầm tích của thời gian.

Nhạc sĩ Trầm Tích nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2020
Nhạc sĩ Trầm Tích nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2020

Đến với âm nhạc khá tình cờ, khi theo chân người anh là một nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk, ôm cây đàn guitar rong ruổi xuống phố, rồi lang lang thang đến Huế, học Âm nhạc tại Huế, rồi bắt đầu sáng tác chuyên nghiệp…

 Nhưng âm nhạc của Trầm Tích chỉ thực sự bắt đầu được chú ý, được tỏa sáng, khi anh trở lại với những âm hưởng của cao nguyên, của đại ngàn. Những cung bậc ấy, như đã hình thành từ rất lâu trong tâm thức, giờ đây chỉ chờ dịp để được ký âm, được chắp thêm đôi cánh và được hát vang lên.

Các tác phẩm “Đêm A Lưới”, “Tình ca A Lưới”, ”Bản tình ca chiến sĩ Biên phòng A Lưới” được nhạc sĩ Trầm Tích sáng tác từ các chuyến đi thực tế, gắn bó và cảm nhận đời sống của đồng bào DTTS vùng cao A Lưới, cộng hưởng với những ký ức của tuổi thơ đã trở thành dấu ấn, và sự khẳng định cho xu hướng âm nhạc của mình về sau này. Một Trầm Tích thích đi, thích khám phá, thích tìm tòi, chắt lọc, lưu giữ và phát triển các làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam thân yêu, để sau đó có thêm nhiều ca khúc ấn tượng, mang đậm nét riêng như: Làng Cò, Cơm Hến, Lý Sơn một khúc tráng ca, Cao nguyên mùa Xuân về, Hồn buôn…

Nhạc sĩ Trầm Tích (thứ hai từ trái qua) trong một lần đi điền dã tại buôn Ea Bông (Đắk Lắk)
Nhạc sĩ Trầm Tích (thứ hai từ trái qua) trong một lần đi điền dã tại buôn Ea Bông (Đắk Lắk)

“Hồn Buôn” hay hồn của người nghệ sĩ 

Tôi nghe ca khúc “Hồn Buôn” của nhạc sĩ Trầm Tích từ một sự tình cờ. Ngay sau đó tôi đã có ý nghĩ, sẽ tìm cho bằng được tác giả ca khúc này để hiểu hơn về những suy tư của anh.

Trong nền âm nhạc, đã có rất nhiều những bài hát rất hay, viết về những đề tài tương tự - những lời cảnh báo về mất mát, mai một văn hóa truyền thống, tuy nhiên Hồn Buôn có sức hút lạ kỳ. Có lẽ bởi cách hòa âm gây ấn tượng, đầy sức gợi bằng tiếng sáo Đing Tak Ta văng vẳng vang lên trong các khoảng lặng, hoặc chính bởi những ca từ như cứa thẳng vào hiện thực: “Xưa nghe tiếng mẹ ru em, câu Ey Rey thương nhớ hoài. Nay nghe thấy họ ru con sao hát bằng nhạc nước ngoài?” hay “Xưa tôi tỏ tình với em qua tiếng đàn B’rố thả hồn. Nay trai gái tìm hiểu nhau toàn bằng chiếc điện thoại Smart Phone”.

Chia sẻ về ca khúc, nhạc sĩ Trầm Tích cho biết: Khi nghe tin buôn Tuôr sẽ được thí điểm để xây dựng mô hình điểm phát triển du lịch cộng đồng, anh rất vui vì giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tại buôn Tuôr, nơi anh đã gắn bó nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ có cơ hội được bảo tồn tốt hơn và được phát huy, giới thiệu đến với mọi người.

Nhạc sĩ Trầm Tích (ngoài cùng bên phải) tham gia biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội Di sản Văn hóa du lịch Việt Nam năm 2019
Nhạc sĩ Trầm Tích (ngoài cùng bên phải) tham gia biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội Di sản Văn hóa du lịch Việt Nam năm 2019

Nhưng khi thực tế trở lại vào năm 2020, thì anh lại khá hụt hẫng vì những đổi thay không như mong đợi. Anh chia sẻ: “Dưới góc độ là một người nghệ sĩ, mình thấy nhiều trăn trở cho những đổi thay ấy. Đất nước ta có nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có cái hay cái đặc sắc riêng. Không thể bảo tồn văn hóa dưới hình thức phát triển du lịch và làm chung chung được. Làm vậy thì chỉ mới được bề nổi mà thôi, cái hồn của văn hóa sẽ không lưu giữ được. Từ những lo nghĩ đó, mình đã gửi gắm vào ca khúc Hồn Buôn.”

Đến đây, chúng tôi bỗng nhớ đến lần đầu tiên kết nối với nhạc sĩ Trầm Tích. Giữa một đêm mưa buồn tại Huế, thay cho lời chào và lời giới thiệu về mình, anh đã ôm đàn guitar và hát tặng ngay chúng tôi ca khúc: “Cao nguyên mùa Xuân về”. Mặc kệ ồn ào của khu chợ nhỏ, anh hát say sưa như đang ngồi giữa đại ngàn… rồi sau đó trò chuyện tâm tình với chúng tôi như những người bạn tâm giao lâu ngày gặp lại, rất gần gũi, rất chân thành.

Nói về những dự định sắp tới, nhạc sĩ Trầm Tích cho biết, anh đang tiếp tục đi và viết, làm những đề tài nghiên cứu âm nhạc dân gian theo lời mời của các đồng nghiệp tại các địa phương, hy vọng mình sẽ góp sức được ít nhiều cho âm nhạc, cho quê hương, cho đồng bào mỗi nơi mình có dịp đi qua và hạnh ngộ.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.