Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nhận diện “vùng trũng” trong phòng chống thiên tai: Cấp bách “vá lỗi” quy hoạch đô thị miền núi (Bài cuối)

Sỹ Hào - 21:12, 24/12/2020

Cùng với tiến trình phát triển chung của cả nước, tốc độ đô thị hóa ở khu vực miền núi đang diễn ra khá nhanh. Đây là xu thế tất yếu, nhưng do phát triển “nóng” cùng với đó là tình trạng “mạnh ai nấy làm” nên quá trình đô thị hóa đang khiến khu vực miền núi trở nên chông chênh hơn trước thiên tai.

Các công trình hạ tầng ở miền núi khi đầu tư xây dựng cần tính tới lồng ghép với nội dung PCTT
Các công trình hạ tầng ở miền núi khi đầu tư xây dựng cần tính tới lồng ghép với nội dung PCTT

Mới phát triển bề nổi

Theo khảo sát của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng. Chỉ tính trong 3 năm (2016 – 2019), cả nước có thêm 31 đô thị được công nhận, nâng tổng số đô thị các loại của nước ta từ 802 (năm 2016) lên thành 833 đô thị cuối năm 2019.

Tuy nhiên, hầu hết đô thị hiện nay, đều là đô thị loại IV, loại V. Trong tổng số 833 đô thị  này, có đến 655 đô thị loại V, 80 độ thị loại IV. Theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đô thị thì, đô thị loại V là thị trấn thuộc huyện có các khu phố xây dựng tập trung và có thể có các điểm dân cư nông thôn; còn đô thị loại IV, là thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thị và các xã ngoại thị.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã mất 73.000 ha đất canh tác hàng năm do đô thị hóa, ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,5 triệu nông dân; diện tích trồng lúa giảm 6% chủ yếu là do công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng.

Một thực tế hiện nay là, ở khu vực miền núi chủ yếu là đô thị loại V. Ngoài đặc điểm dân cư và điều kiện kinh tế - xã hội, khu vực miền núi khó “nâng hạng” đô thị là do rất khó mở rộng không gian khi chung quanh là núi cao vực thẳm, ít có quỹ đất bằng phẳng.

Nhưng như đã nêu ở trên, đô thị hóa là xu hướng tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, ở miền núi, các đô thị muốn mở rộng không gian, chỉ còn cách “phá núi mở đường” để xây dựng công trình hạ tầng cơ sở, nhà ở dân sinh…

Vì thế, lên bất cứ thị tứ, thị trấn nào ở khu vực miền núi, việc “cắt” nửa quả đồi để xây công trình; dựng “thành lũy’ ở các khe núi để làm đường,… là hình ảnh rất dễ bắt gặp. Những hoạt động này đã phá vỡ sự cân bằng của đồi núi, làm tắc nghẽn vai trò thoát nước của các khe núi, khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất luôn thường trực.

Là địa bàn vùng cao nhưng thôn Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn bị ngập sâu trong mưa lũ ngày 20/10/2020
Là địa bàn vùng cao nhưng thôn Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn bị ngập sâu trong mưa lũ ngày 20/10/2020

Lấy thị trấn Prao, huyện Đông Giang (Quảng Nam) làm dẫn chứng. Sau cơn bão số 5, mưa lớn bất ngờ, đã gây ra trận lũ quét lịch sử trong ngày 17/9/2020. Lũ quét đã làm hư hại gần 60 ngôi nhà và hơn 12,5ha diện tích cây trồng, hơn 10.000m2 ao nuôi cá và hàng chục héc ta lúa nước, chuối, hoa màu...

Không chỉ thị trấn Prao, mà rất nhiều đô thị ở miền núi đang ngày càng chông chênh hơn trước thiên tai. Một thông tin của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy, biến đổi khí hậu (BĐKH) gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên. Thống kê sơ bộ có đến 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó có 17 đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất mạnh.

Gia tăng tần suất thiên tai

Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 – 2020”. Ðây là cơ sở quan trọng để triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị ứng phó với BÐKH.

Hiện có không ít công trình khi đầu tư xây dựng đã không tính đến việc lồng ghép nội dung PCTT, làm gia tăng rủi ro thiên tai. Có địa phương xây dựng hồ trên đỉnh đồi, bị vỡ do mưa lớn làm thiệt hại về người và tài sản…

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT

Mục tiêu cụ thể của Đề án là xây dựng chương trình, kế hoạch điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến hệ thống đô thị được cảnh báo có nguy cơ rủi ro cao. Đồng thời, xây dựng khung nhiệm vụ và giải pháp ứng phó, thích nghi với BĐKH và nước biển dâng; hạn chế, giảm thiểu rủi ro trong xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam.

Nhưng đến nay, việc triển khai đề án vẫn rất hạn chế. Năm 2020 là năm cuối của Đề án nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có một báo cáo kết quả thực hiện nào được công bố. Ngay cả với 6 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Đề án, cũng chưa có bất cứ một thông tin nào cho thấy đã thực hiện được những nội dung yêu cầu nào.

Trong khi đó, hệ thống đô thị nước ta đã có bước phát triển nhanh về số lượng, nhưng lại thiếu kiểm soát. Trong đó, hệ thống đô thị của các tỉnh phát triển vượt dự báo phát triển đô thị quốc gia, vùng. Ðã và đang xuất hiện xu hướng đô thị hóa toàn tỉnh và ý tưởng hình thành các đô thị lớn theo mô hình thành phố vùng.

Để phát triển đô thị miền núi thì chỉ còn cách “phá núi mở đường” (Ảnh minh họa)
Để phát triển đô thị miền núi thì chỉ còn cách “phá núi mở đường” (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh đó, những trận bão năm nay, đã gây ra lũ lụt, sạt lở liên tiếp và nghiêm trọng. Cây cối, nhà cửa “bội thực” gió, đất chìm trong nước. Cuộc sống người dân đảo lộn vì lũ chồng lũ, bão chồng bão; miền núi nhiều nơi sạt lở, thương vong…

Những năm trước, bão dù lớn, dù nhỏ cũng chỉ một vài cơn, lũ lụt vài ngày đến một tuần. Năm 2020 lịch sử này, không những bão gia tăng về tần suất, lụt cũng kéo dài, ngập sâu, tái suất nhiều hơn. Riêng đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) vừa qua, đã trải qua 6 lần ngập lụt nghiêm trọng.

Còn ở miền núi, sạt lở nối dài, chạy rộng, trước huyện Nam Trà My, Phước Sơn sau đến Bắc Trà My (Quảng Nam), huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) nối tiếp mạch sạt lở; nhiều điểm tại tuyến đường Trường Sơn Đông núi vỡ, đất vùi… Tình trạng “đa thiên tai” đã và đang diễn ra ngày càng trầm trọng; do đó cần một giải pháp tổng thể để ứng phó, nhất là cần sớm “vá lỗi” trong quy hoạch đô thị ở miền núi.